Buổi sáng, đoàn kiểm tra các kho lạnh bảo quản hải sản tồn kho tại xã Đức Trạch, Thanh Khê (Bố Trạch), cảng cá Nhật Lệ (Đồng Hới) và kiểm tra nơi tiêu hủy hải sản tại bãi rác Lộc Ninh, thành phố Đồng Hới.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, 4 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế) còn 5.369 tấn hải sản thu mua, tạm trữ còn tồn kho. Riêng Quảng Bình, số lượng hải sản tồn kho nhiều nhất, với 3.265 tấn. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong số này, có hơn 2.658 tấn bảo đảm an toàn thực phẩm, hơn 606 tấn không bảo đảm do hàm lượng cadimi vượt mức cho phép.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, đến ngày 12/12, tỉnh đã hoàn thành việc tiêu hủy 504 tấn hải sản không bảo đảm an toàn (khi lấy mẫu có 606 tấn, nhưng kiểm đếm thực tế khi tiêu hủy là hơn 504 tấn).
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị các cơ sở thu mua chủ động, đẩy mạnh việc tiêu thụ hải sản tồn kho, tăng cường khâu chế biến. Bộ trưởng cũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định chi trả việc bồi thường 100% đối với hải sản đưa đi tiêu hủy, hải sản tồn kho được hỗ trợ 30%.
Ông Dũng đặc biệt lưu ý, UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh tăng cường công tác thông tin, truyền thông, thông báo rộng rãi cho người dân biết toàn bộ số hải sản không an toàn đã bị tiêu hủy, người dân có thể yên tâm sử dụng số hải sản còn lại.
* Hà Tĩnh: Ngày 15/12, UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) phối hợp Sở NN&PTNT, Sở Y tế, Công Thương, TN&MT tổ chức tiêu hủy 275 tấn hải sản bị nhiễm độc cadimi và phenol trên địa bàn.
Số hải sản này được phát hiện nhiễm độc và niêm phong từ tháng 10 sau khi có kết quả xét nghiệm phân tích của Viện Kiểm nghiệm ATVSTP Trung ương. Sau khi có chỉ đạo của Bộ TN&MT, UBND tỉnh Hà Tĩnh, các cơ quan chức năng đã bốc dỡ toàn bộ số hải sản không đảm bảo an toàn tại các cơ sở đã niêm phong trước đó trên địa bàn huyện Lộc Hà đưa đến bãi rác Cụm công nghiệp Lộc Hà (tại xã Hồng Lộc) tiêu hủy theo hình thức chôn lấp đất, rải vôi và phun thuốc khử khuẩn Cloramin B.