Cá nhân có quyền kiến nghị tổ chức trưng cầu ý dân

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ, có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá. Ảnh: Như Ý.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ, có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá. Ảnh: Như Ý.
TP - Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đến Chủ tịch nước, Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề mà mình thấy cần thiết.

Với đa số đại biểu tán thành, chiều 25/11, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật Trưng cầu ý dân. Theo đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, đến Chủ tịch nước, Chính phủ xem xét, đề nghị Quốc hội quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề mà mình thấy cần thiết.

Quốc hội quyết định việc trưng cầu

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trưng cầu ý dân của Ủy ban Thường vụ QH (UB TVQH), qua thảo luận tại hội trường có ý kiến đề nghị dự thảo luật cần quy định cụ thể, rõ ràng hơn nữa các vấn đề QH quyết định trưng cầu ý dân. Trong đó bổ sung quy định về trưng cầu ý dân đối với các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân, về bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, về chiến tranh và hòa bình.

Tuy nhiên, UB TVQH thấy rằng, những vấn đề mà đại biểu nêu như quyền con người, quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân đều đã nằm trong các quy định của Hiến pháp, đã được thể hiện trong các nội dung trưng cầu ý dân về Hiến pháp. Các nội dung khác thuộc phạm vi về các vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền quốc gia và kinh tế - xã hội. Mặt khác, dự thảo luật cũng quy định về “vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước”, nên không nhất thiết phải liệt kê quá chi tiết các vấn đề cần trưng cầu ý dân mà để QH căn cứ vào đề nghị của các chủ thể có thẩm quyền xem xét, quyết định trưng cầu ý dân khi thấy cần thiết. 

Về chủ thể có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, Luật quy định UB TVQH, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu QH có quyền đề nghị QH xem xét, quyết định trưng cầu ý dân. Ngoài ra các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có quyền kiến nghị đến UB TVQH đại biểu QH, đến Chủ tịch nước, Chính phủ xem xét, đề nghị QH quyết định trưng cầu ý dân về những vấn đề mà mình thấy cần thiết.

Về kết quả trưng cầu ý dân, Luật quy định cuộc trưng cầu ý dân phải được ít nhất 3/4 tổng số cử tri có tên trong danh sách cử tri đi bỏ phiếu và ít nhất là quá nửa số phiếu hợp lệ tán thành. Trường hợp không đủ 3/4 tổng số cử tri đi bỏ phiếu thì cuộc trưng cầu ý dân này không thành công. Luật cũng quy định, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Ban hành phí, lệ phí trái phép có thể bị xử lý hình sự

Cùng ngày, QH cũng đã thông qua Luật Phí và lệ phí. Theo đó, Luật nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí. Các trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trước đó, trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phí và lệ phí, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài  chính – Ngân sách của QH cho hay, qua thảo luận có ý kiến cho rằng, hiện nay người dân đã nộp thuế cho Nhà nước, do đó đề nghị không phải nộp các khoản phí, lệ phí. Tuy nhiên UB TVQH cho rằng, thuế là khoản thu bắt buộc mang tính không hoàn trả trực tiếp. Nhà nước sử dụng nguồn thu thuế để đầu tư xây dựng đường sá, cầu, cống, trường học, bệnh viện, công trình phúc lợi văn hóa xã hội... để phục vụ toàn xã hội và trang trải chi phí cho hoạt động của bộ máy nhà nước, đảm bảo an ninh, quốc phòng,... Trong khi đó, phí và lệ phí cũng là khoản thu thuộc ngân sách Nhà nước, nhưng mang tính hoàn trả trực tiếp. Các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ trực tiếp thì mới phải trả phí, lệ phí.

“Việc phải nộp phí và lệ phí là góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân, tránh việc sử dụng lãng phí các nguồn lực Nhà nước. Bên cạnh đó, tỷ lệ thuế, phí, lệ phí trên GDP của Việt Nam hiện đang có xu hướng ngày càng giảm, việc không thu phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến cân đối ngân sách quốc gia”, ông Hiển nhấn mạnh.

Trước một số ý kiến lo ngại việc chuyển mạnh phí, lệ phí sang cơ chế giá sẽ tạo gánh nặng cho người dân, UB TVQH cho rằng, để khuyến khích xã hội hóa thì cần thiết phải chuyển một số loại dịch vụ công sang cơ chế giá mà khu vực tư nhân có thể tham gia nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân. Tuy nhiên, UB TVQH thừa nhận, việc chuyển sang cơ chế giá và do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước thực hiện sẽ tính đủ chi phí và có lợi nhuận, có thể làm tăng giá dịch vụ. Do đó, trước mắt chỉ chuyển sang cơ chế giá đối với một số khoản phí mà Nhà nước không cần phải nắm giữ và có sự cạnh tranh nhằm góp phần giảm giá và nâng cao chất lượng dịch vụ cho người dân. 

Tổng Thư ký QH  không phát sinh thêm bộ máy, kinh phí

Ngày 25/11, QH đã bầu và biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Tổng Thư ký QH. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/1/2016. Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH được bầu làm Tổng Thư ký QH. Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, hiện cả thế giới chỉ còn Việt Nam và Lào có chức danh Chủ nhiệm Văn phòng QH, các nước đều là chức danh Tổng Thư ký. Mặc dù phải lo “hai vai”, song theo ông Phúc, các chế độ phụ cấp chức vụ vẫn như trước đây, không có gì khác cả. Bộ máy cũng không thay đổi mà chỉ sử dụng bộ máy hiện tại.

                 Dũng Nguyễn

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.