Ca mắc COVID-19 tăng nhanh, Đắk Lắk đào tạo tại chỗ bác sĩ để cứu chữa người bệnh

TPO - Vừa điều trị vừa đào tạo tại chỗ bác sĩ để có thể tham gia cứu chữa bệnh nhân COVID-19, hạn chế tử vong; nhiều thiết bị y tế phải ứng đưa vào sử dụng cấp cứu… là những giải pháp tình thế mà ngành y tế Đắk Lắk thực hiện khi ca mắc COVID-19 tăng nhanh.
Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên- nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.

Tính đến sáng 26/10, Đắk Lắk có 3.380 ca mắc COVID-19, trong đó 1.399 bệnh nhân đang điều trị, 22 ca tử vong, còn lại đã khỏi bệnh.

Tính trong vòng 14 ngày qua, số ca mắc mới hơn 1.000 người (nhiều ngày trên 100 ca bệnh như ngày 25/10 có tới 167 người mắc mới), chiếm gần 1/3 ca bệnh từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay. Số ca mắc COVID-19 tăng nhanh khiến công tác điều trị gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, nhất là bác sĩ chuyên ngành hồi sức cấp cứu, chưa kể thuốc, vật tư y tế khan hiếm, thiếu thốn.

Theo Sở Y tế Đắk Lắk, nhân lực y tế cho bộ phận hồi sức tích cực cần tối thiểu 4 kíp, mỗi kíp cần ít nhất 1 bác sỹ được đào tạo về hồi sức cấp cứu phục vụ cho số lượng từ 5-15 bệnh nhân theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực tại Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên- nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, đang thiếu hụt trầm trọng nếu mở rộng quy mô điều trị lên 500 giường. Bệnh viện đang vừa phải làm công tác điều trị vừa phải đào tạo tại chỗ để các bác sỹ nội, ngoại, sản, nhi có thể thực hiện hồi sức cứu chữa bệnh nhân, hạn chế tử vong.

Ngoài ra, công tác điều trị bệnh nhân đang gặp khó khăn do nhiều loại thuốc hiện nay rất khan hiếm, công tác đấu thầu vướng quy định. Đơn cử, những hàng hóa thông thường hoặc chưa được phân nhóm theo Thông tư 14 của Bộ Y tế phải 6 giá cho 1 mặt hàng trình Sở Tài chính. Nhiều vật tư cần gấp cho cứu bệnh nhân COVID-19 nguy kịch như quả lọc Citokin HA 330, ngành y tế đã tạm ứng, sử dụng trước.

Đắk Lắk cần thêm 2 triệu liều vắc xin phòng COVID-19

Số ca mắc COVID-19 tăng vọt, nhất là ca mắc ngoài cộng đồng khiến dịch bệnh tại Đắk Lắk phức tạp; trong khi đó tỉ lệ tiêm vắc xin ở tỉnh này thấp nhất cả nước.

Toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu người trong độ tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19 (trên 18 tuổi) song tổng số mũi vắc xin đã tiêm toàn tỉnh mới 29,71%.

Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ và Bộ Y tế tăng số lượng cấp vắc xin cho tỉnh (thêm 2 triệu liều) để đảm bảo cho tỷ lệ người dân trên 18 tuổi tiêm 1 mũi vắc xin đạt 90% và 2 mũi đạt trên 50% trong năm 2021.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng, vấn đề triển khai tiêm vắc xin đang là nhiệm vụ then chốt để đẩy lùi dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay. Thành phố đặt mục tiêu hết tháng 11/2021 sẽ có 100% số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19. Hiện nay, thành phố đã tiêm được trên 100.000 người, còn khoảng 200.000 dân. Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, thành phố dự kiến sẽ hoàn thành kế hoạch bao phủ vắc xin trước ngày 15/11.