Cá lạ cắn người 'chỉ có thể là cá nóc mít'
> Cả trăm người tìm bắt cá 'lạ' cắn người
Ngày 14-8, bà Võ Thị Hồng, Trưởng trạm Thủy sản huyện Tháp Mười (Đồng Tháp), cho biết, qua kiểm tra vết thương trên chỗ kín của hai cháu Nguyễn Hữu Thiện (7 tuổi), Nguyễn Hoàng Hảo (4 tuổi, cùng ngụ xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười) bị vật lạ cắn khi tắm sông, đã xác định dấu răng chỉ có thể do cá nóc mít gây ra, không phải cá chim trắng.
Bà Hồng giải thích: Cá nóc mít miệng nhỏ, có hai răng, khi cắn để lại vết thương có hình tròn, còn cá chim trắng do miệng to, nhiều răng nên vết cắn phải rộng và chi chít dấu răng hơn. Về việc người dân nghi ngờ do cá sấu tấn công, bà Hồng bác bỏ và cho đó chỉ là tin đồn.
Bà Hồng nhận định, hiện nay các loài cá nước ngọt hung dữ có thể cắn người chỉ gồm cá lóc bông, cá nóc mít, cá chim trắng. Vì thế người dân không nên lo ngại có loài cá "bí ẩn" xuất hiện, vì việc cá nóc mít tấn công người tắm sông vẫn thỉnh thoảng xảy ra. Cũng theo bà Hồng, gần đây có vài thông tin người dân ra sông bị cá cắn nhưng kiểm tra lại chỉ là tin đồn.
Cùng ngày, các trạm y tế xã và Bệnh viện đa khoa H.Tháp Mười khẳng định, từ ngày 10-8 đến nay, chưa điều trị hay xử lý vết thương nào do tắm sông bị cá cắn; riêng hai cháu Thiện và Hảo đang điều trị ở Bệnh viện đa khoa H.Tháp Mười sức khỏe ổn định, vết thương đã lành miệng, sẽ xuất viện trong vài ngày tới.
Trong hai ngày 13 và 14-8, UBND H.Tháp Mười cùng UBND xã Tân Kiều đưa lực lượng khoảng 50 người, gồm dân quân, thanh niên tình nguyện và người dân đến nơi xảy ra vụ cá lạ tấn công trẻ tắm sông; dùng chài, lưới, ghe cào... bủa theo sông, truy tìm cá dữ theo từng hốc cây, bụi rậm, hang hóc… nhưng vẫn chưa bắt được. UBND huyện Tháp Mười chỉ đạo tiếp tục truy bắt, nếu không bắt được cũng có thể làm cho chúng hoảng sợ bỏ đi.
Theo Thanh Dũng
Thanh Niên