Đào tạo theo nhu cầu xã hội:

Cả doanh nghiệp và sinh viên đều cần được kết nối

Cả doanh nghiệp và sinh viên đều cần được kết nối
TP - Ngày 22/11, trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai) đã tổ chức hội thảo liên kết đào tạo và sử dụng nhân lực giữa trường với các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tại buổi hội thảo, trường đã ký kết hợp tác với 40 doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản tại địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đây là một bước tiến rất dài trong việc đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội theo chủ trương của Bộ GD&ĐT.

Doanh nghiệp kỳ vọng gì?

Tuy các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại Việt Nam có phương thức hoạt động đặc trưng riêng với doanh nghiệp các nước khác nhưng với vấn đề sử dụng nhân lực, những kỳ vọng của các doanh nghiệp này cũng là băn khoăn tương đồng với những tập đoàn, Cty khác.

Ông Kazama - Tổng Giám đốc Cty phát triển khu công nghiệp Loteco (Long Bình) nói: “Chúng tôi sẽ hạn chế tối đa những kỹ sư và nhân viên từ Nhật cử sang, thay vào đó chúng tôi có ý định giao công việc trung gian cho các kỹ sư và nhân viên người Việt Nam.

Vì vậy, trường cần đào tạo được nguồn nhân lực có kỹ năng cao, sau đó sẽ kiểm tra năng lực, đào tạo, tập huấn lại sao cho phù hợp với công việc. Trung tâm tư vấn việc làm cũng cần nắm được số lượng những người có nguyện vọng cũng như thông báo nhu cầu của công ty tới những người có nhu cầu tìm việc”.

Đa số các doanh nghiệp Nhật Bản đều đánh giá cao sự cần cù,  khả năng học hỏi và tiếp thu nhanh của người lao động Việt Nam. Nhưng nhân lực Việt Nam, đặc biệt là sinh viên mới ra trường, còn mắc phải những khuyết điểm cần phải khắc phục.

Ông Futamara Michiyuki – Phó Tổng Giám đốc Cty Muto Việt Nam – chỉ rõ: “Hầu hết người lao động Việt Nam đều xuất phát từ nông thôn nên thiếu tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhất là kỹ năng phối hợp làm việc nhóm, làm việc theo dây chuyền. Những lao động mới ra trường đều thiếu kỹ năng làm việc thực tế, nhất là ngày nay phải làm việc với người nước ngoài thường xuyên. Họ cũng thiếu sự chủ động, mạnh dạn bày tỏ ý tưởng thay đổi nhằm cải tiến, phát triển công việc trong quá trình làm việc”.

Sinh viên cần gì?

Phát biểu tại hội thảo, đa số các cựu sinh viên, sinh viên đều đánh giá rất cao hiệu quả từ việc đào tạo theo nhu cầu xã hội của nhà trường. Nhưng họ còn cần nhiều hơn thế.

Lê Thị Trinh (cựu sinh viên ngành Nhật Bản học, khoa Đông phương) phát biểu rất thực tế về những khó khăn gặp phải khi ra trường và đi làm: “Sinh viên đi làm sau khi tốt nghiệp vẫn còn gặp một số khó khăn trong một số ngành và lĩnh vực nhất định như cơ khí, hóa học… Đặc biệt, hầu hết sinh viên đều gặp khó khăn về ngoại ngữ”.

Một lợi thế tại ĐH Lạc Hồng luôn được đa số sinh viên đánh giá cao là luôn tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trong suốt quá trình học tập, từ cơ sở vật chất đến phương tiện học tập, luôn cập nhật những giáo trình mới nhất.

Nhưng ngay cả những cố gắng của trường trong việc liên kết, hợp tác với doanh nghiệp khá hiệu quả đến nay vẫn là chưa đủ với mong mỏi của sinh viên. Sinh viên mới ra trường còn cảm thấy thiếu tự tin khi kiến thức học tại trường vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi ngày càng cao của các doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, TS Trần Hành – Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng – cho biết: “Nhà trường hứa sẽ tiếp tục thúc đẩy việc đào tạo theo nhu cầu xã hội bằng cách hợp tác doanh nghiệp tốt hơn nữa.

Sắp tới, ĐH Lạc Hồng sẽ đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp theo từng ngành nghề cụ thể sau đó cùng nhau xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu và trình độ công nghệ của doanh nghiệp, qua đó phát huy được hết khả năng của hai bên để đạt được hiệu quả kinh tế, xã hội cao và giúp cho sinh viên thành công hơn khi làm việc tại doanh nghiệp sau khi ra trường”.

MỚI - NÓNG