Tháng 1/2012, sông Long Giang ở Quảng Tây, Trung Quốc bị nhiễm độc chất cadmium. Theo Xinhua, vụ thải chất độc này do công ty khai thác mỏ Duyên Hà ở Hà Trì gây ra. Ngoài ra, công ty vật liệu Kim Thành Giang Hồng Quyền và một số công ty công nghiệp khác tại thành phố này cũng bị nghi ngờ có liên quan.
Chính quyền Hà Trì ước tính hơn 40 tấn cá chết từ ngày 15/1- 2/2 trong phạm vi thành phố. Lượng cadmium bị thải ra sông được ước tính gấp 80 lần mức cho phép. Vụ nhiễm độc kéo dài hơn 100 km dọc theo sông Long Giang.
Cadmium là chất thường dùng trong công nghiệp như sản xuất pin, là một chất gây ung thư có thể làm suy thận, mềm xương và tác động xấu đến hệ hô hấp. Theo China Daily, nhiễm độc cadmium có thể dẫn đến tử vong trong khoảng từ hai đến 20 năm và không có cách chữa trị.
Sông Long Giang là nguồn cung cấp nước uống chính cho 3,7 triệu dân tại Liễu Châu. Ngay sau khi vụ thải chất độc được phát hiện, cư dân thành phố Liễu Châu đã lũ lượt mua nước đóng chai ở siêu thị vì sợ nhiễm độc, dẫn đến tình trạng cháy hàng.
8 lãnh đạo cấp cao từ công ty khai mỏ Duyên Hà và công ty vật liệu Kim Thành Giang Hồng Quyền bị bắt. 7 quan chức chính phủ bị sa thải, hai người khác bị phạt hành chính.
Giới chức Trung Quốc đã đổ hàng nghìn tấn vôi, nhôm chloride và carbon hoạt tính xuống sống sông Long Giang để khử cadmium. Cơ quan môi trường địa phương thành lập 20 tổ giám sát dọc 200 km sông và hơn 200 nhân viên giám sát được triển khai để kiểm soát chất lượng nước. Chính quyền địa phương cũng đã đình chỉ hoạt động của cả 7 nhà máy kim loại nặng ở thượng nguồn sông Long Giang. Xinhua nói rằng vụ ô nhiễm được kiểm soát sau hai tuần xử lý.
Đại diện của tổ chức Greenpeace và viện Công vụ và Môi trường ở Bắc Kinh cho rằng doanh nghiệp ở Trung Quốc cần phải công bố số lượng chất thải hóa học trong quá trình hoạt động, và nơi họ thải chúng. Sau khi vụ việc xảy ra, các nhà môi trường kêu gọi thành lập một quỹ xử lý ô nhiễm cadmium, giúp giải quyết những tác động lâu dài của vụ thải chất độc xuống sông, trong đó có phục hồi môi trường và điều trị nạn nhân.
"Những thảm họa như thế này cho thấy rõ ràng cần phải thay đổi để tăng cường minh bạch", Ma Jun, một trong những nhà hoạt động môi trường nổi tiếng nhất của Trung Quốc, nói.