Cả 3 thành viên ban nhạc là cháu ngoại Anh hùng Núp

Cả 3 thành viên ban nhạc là cháu ngoại Anh hùng Núp
TP- “Anh ơi, xuân tươi đã về trên nương. Lúa đã chín vàng. Mau mau cùng em gặt nhanh. Mau mau đón lúa về. Như đôi chim joong tung cánh, như đôi chim chơrao lượn gió...”. Nghe ba thiếu nữ hát say sưa, cứ ngỡ như trước mặt là núi rừng Tây Nguyên đại ngàn gió lộng.

Ngạc nhiên bởi giọng ca trong trẻo, khỏe khoắn hòa quyện ăn ý đến lạ lùng và càng ngạc nhiên hơn khi nghe nhạc sĩ An Thuyên giới thiệu ba người là chị em ruột và là cháu ngoại của Anh hùng Núp.

Cả 3 thành viên ban nhạc là cháu ngoại Anh hùng Núp ảnh 1
Ba chị em chụp ảnh kỷ niệm với Phó viện trưởng Viện Kỹ thuật E17 – Bộ Công an

Tình cờ “bén duyên” âm nhạc

Chị cả Đinh Thị Hội (sinh 1988), cô em thứ hai Đinh Thị Ngôn (sinh năm 1989) và cô út Đinh Thị Bảy (sinh năm 1990). Cả ba đều đang theo học lớp Trung cấp miền núi 6, Khoa nghệ thuật dân tộc và miền núi, Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (Hà Nội). 

Nhạc sĩ An Thuyên, Hiệu trưởng Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội kể: “Một lần lặn lội về vùng sâu vùng xa để tuyển sinh, tôi quyết định tổ chức một điểm thi tuyển năng khiếu đàn ca ngay tại làng Si tơ, nơi có nhà Rông tưởng niệm anh hùng Đinh Núp.

Cuối buổi, có ba cô bé (đang học lớp 7, lớp 8 trường làng) rụt rè xin thử giọng. Bài dân ca Ba Na mộc mạc Gặt lúa đông xuân các em hát rất hay, chuẩn âm cả tiếng Kinh lẫn tiếng Ba Na. Phối bè ngẫu hứng mà điêu luyện…”.

Ba chị em gây được ấn tượng mạnh và lọt vào mắt xanh của Đại tá Hiệu trưởng An Thuyên từ lúc ấy.

Sau đợt tuyển sinh, sang đầu tháng 9, thầy An Thuyên đem vở nhạc kịch Đất nước đứng lên phỏng theo truyện của nhà văn Nguyên Ngọc về tận làng  Si tơ biểu diễn. Có đến 80% nhân vật do sinh viên Tây Nguyên của trường sắm vai kịch người Tây Nguyên, chỉ 20% múa là sinh viên người địa phương khác.

Dân làng xem thích lắm, cứ tâm tắc khen. “Diễn xong tôi tuyên bố, trao ngay giấy báo trúng tuyển cho ba em Hội, Ngôn, Bảy vào học hệ trung cấp Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội ở Hà Nội. Về thăm nhà học sinh mới vỡ lẽ ba em là chị em ruột và là cháu ngoại Anh hùng Núp. Cha các em cũng chính là người người trông nom Nhà tưởng niệm Anh hùng Núp ở Si tơ. Thật bất ngờ!” - Nhạc sĩ An Thuyên nhớ như in.

Ngỡ ngàng trước niềm vui lớn, Hội, Ngôn, Bảy háo hức khăn gói lên đường nhập học. Dân làng Si tơ lưu luyến tiễn chân ba thiếu nữ. 

“Ngày mới chân ướt chân ráo ra Hà Nội, cái gì cũng lạ, cũng mới hết à. Cái bụng thì nhớ nhà, nhớ bản lắm” – cô chị Đinh Thị Ngôn kể lại. Nhớ nhà, nhiều đêm, ba chị em ôm nhau khóc, rồi lại tự an ủi, động viên nhau cố gắng để không phụ lòng của mọi người.

Qua một thời gian khá dài, thầy cô tận tình dìu dắt, các bạn bè  gần gũi, giúp đỡ, ba cô gái Tây Nguyên dần bắt nhịp với cuộc sống học sinh ở trường.

Học để xứng là cháu của Anh hùng

Hội, Ngôn, Bảy nhắc về ông ngoại Đinh Núp với một giọng tự hào và yêu mến đặc biệt. “Từ nhỏ tụi em đã được bố mẹ, dân bản kể về ông – người Anh hùng Tây Nguyên. Lớn lên, càng tìm hiểu về lịch sử đấu tranh càng thấy tự hào vì dòng máu mình.

Luôn ý thức vì truyền thống gia đình, ba chị em không ai bảo ai đều gắng công học tập. Đinh Thị Ngôn lý giải một cách giản dị: “Phải học thôi, không học thì không làm nổi cái gì hết. Học mới xứng đáng là cháu ông ngoại Núp – cháu Anh hùng. Học để về Si tơ hát cho dân bản mình nghe…”.

Cô Bích Thủy, giảng viên Khoa Nghệ thuật dân tộc miền núi, cũng là mẹ đỡ đầu của các em vui vẻ: “Ba em vẫn giữ được tiếng hát khỏe, trong sáng, còn nguyên hoang sơ núi rừng. Ngày trước, các em chưa biết mặt mũi nốt nhạc ra sao đã có thể tự phối bè ngẫu hứng. Giờ theo học chương trình đào tạo bài bản nên có nhiều điều kiện phát huy năng khiếu. Thêm nữa, cả ba đều rất nỗ lực, học bao nhiêu vẫn thấy chưa đủ, vẫn sợ…thiếu”.

Cô bật mí, ba học trò luôn dính với nhau như hình với bóng. Buổi học nào chỉ vắng mất một người thôi, hai người còn lại cũng khó lòng nhập tâm, chỉ khi “đủ bộ” thì cả ba tiếp thu bài mới hiệu quả.

Mỗi em có một thế mạnh khác nhau. Chị cả Đinh Thị Hội khéo đàn, cô em thứ hai Đinh Thị Ngôn sở hữu giọng hát truyền cảm, út Bảy lại giỏi múa. Song, trên sân khấu, cả ba phối hợp ăn ý nhịp nhàng đến tuyệt vời.

Thầy An Thuyên tổ chức ba chị em thành một ban nhạc riêng, với cái tên đậm chất Tây Nguyên: Cúc Quỳ. Nhóm Cúc Quỳ vừa hát múa, vừa chơi nhạc cụ Tây nguyên: đàn t’rưng, k’long pút và đinh doong.

Ngay từ khi mới ra đời, Cúc Quỳ đã tham gia biểu diễn tại khá nhiều chương trình nghệ thuật lớn. Trong  liên hoan Tiếng hát dân ca và nhạc cụ dân tộc toàn quốc vừa qua, ba chị em giành được giải ba, giải tư, với hai bài hát Gặt lúa đông xuân và Ru em, đều là dân ca Ba Na.

Hiện, ba “đóa Cúc Quỳ” đang hoàn tất chương trình trung học nghệ thuật vào cuối năm nay ở lớp Trung cấp miền núi 6, Khoa nghệ thuật dân tộc và miền núi. Sau đó,  ba cô gái này sẽ thi tiếp hệ cao đẳng và thi tốt nghiệp lớp 12. Cả ba đều nuôi mơ ước theo đuổi nghệ thuật, mai này đem tiếng hát của mình về phục vụ bản làng.  

MỚI - NÓNG