Buýt nhái tranh chỗ buýt thật
Điểm trung chuyển xe buýt Long Biên giờ cao điểm buổi sáng, một chiếc xe khách cỡ lớn sơn màu vàng, trắng, đỏ biển kiểm soát 98K 3735 chạy tuyến bến xe Lương Yên (Hà Nội) - Hiệp Hoà (Bắc Giang) trờ tới. Xe được trang trí giống hệt xe buýt, nhưng thực chất là buýt nhái. Dấu hiệu dễ nhận biết: Xe không ghi số hiệu tuyến buýt và phù hiệu hoạt động “Xe tuyến cố định” (tức là xe khách chạy liên tỉnh).
Chiếc xe đủng đỉnh vào trạm rồi không dừng ở một vị trí cố định như các tuyến buýt khác mà rà dọc trạm; khi có khách vẫy liền dừng ngay. Với một xe buýt bình thường, thời gian vào trạm chỉ khoảng 1 phút, không xảy ra ùn tắc; nhưng chiếc xe này dừng khoảng 5 phút, trạm buýt xảy ra ùn ứ. Không chỉ một xe, buýt nhái vào trạm này có ngày lên đến vài chục chuyến, mang biển số Bắc Giang, Hà Nội.
Cuối tuần qua, sau khi nhận được tin báo của PV Tiền Phong, đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) đã xử lý 3 xe khách nhái xe buýt (biển kiểm soát 29T-1626, 98K-3726 và 98K-3735) đều có màu sơn giống xe buýt, xuất phát từ bến xe Lương Yên rồi vòng về trạm xe buýt Long Biên. Thanh Hùng
Qua nhiều lần theo dõi, PV Tiền Phong xác định, những chiếc xe buýt nhái này xuất phát từ bến xe Lương Yên. Theo lộ trình được duyệt, khi rời bến, những xe này phải qua cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì để đi Bắc Giang, Bắc Ninh, nhưng đã quay ngược, rong ruổi gần 3 km, tiến sâu vào nội thành đến trạm xe buýt Long Biên. Trên đường, những xe này đi với tốc độ rùa bắt khách, bất chấp tình trạng chật chội của đường sá Thủ đô.
Nhiều xe du lịch hợp đồng cũng đang khoác áo xe buýt để hoạt động. Cạnh công viên Thống Nhất, trên đường Trần Nhân Tông, DN vận tải Việt Thanh (kinh doanh nhiều loại hình vận tải khác như xe khách tuyến Mỹ Đình - Quảng Ninh, xe taxi) lập hẳn một trạm bán vé và đón trả khách với cái tên “xe buýt Hà Nội - Nội Bài”. Trạm hoạt động với tần suất 40-45 phút/chuyến bằng loại xe 16 và 29 chỗ. Hướng đi để đón/trả khách qua các khu vực trung tâm như đường Hai Bà Trưng, Nhà hát lớn, Khách sạn Daewoo... Phù hiệu là xe hợp đồng, nhưng DN này lại tổ chức bán vé. Đây là một điều cấm trong quy định kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng.
Được “yểm bùa" nên không ai dám xử?
Ông Nguyễn Hoàng Hải, GĐ Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) xác nhận: Tình trạng xe khách trá hình vào tranh chỗ xe buýt, gây ùn ứ tại trạm Long Biên xuất hiện từ lâu. Trung tâm nhiều lần báo cáo Thanh tra Sở GTVT, nhưng chưa được xử lý. Liên lạc với các đội thanh tra GTVT phụ trách địa bàn có các tuyến phố mà buýt nhái chạy qua (Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư hay trạm Long Biên), PV Tiền Phong nhận được câu trả lời: Chưa có chỉ đạo của trên hoặc trách nhiệm thuộc các đội chuyên môn khác.
Ông Hải còn cho rằng, việc các tuyến buýt kế cận (chạy liên tỉnh) được cấp phép vào sâu trong nội đô dễ xảy ra xung đột, ùn tắc giao thông và lãng phí đầu tư, làm cho buýt nhái dễ trà trộn. “Nhiệm vụ ở khu vực trung tâm để cho xe buýt nội đô đảm nhận. Các tuyến buýt kế cận nên ở khu vực giáp ranh với trung tâm, nơi các tuyến buýt nội đô đã vươn tới” - Ông Hải nói.
Về điểm buýt sân bay của Cty Việt Thanh, một cán bộ thuộc đội thanh tra giao thông quận Hai Bà Trưng tỏ vẻ “giật mình” khi nghe phản ánh về hoạt động buýt có quy mô lớn. Vị cán bộ này thổ lộ, một trong những nguyên nhân khiến thanh tra GTVT ngại “động chạm” là do điểm buýt này đóng ngay tại điểm đỗ xe của một cơ quan nội chính quan trọng của Hà Nội. Cán bộ này hứa sẽ sớm cho kiểm tra và xử lý.
Điều đáng nói là, các xe buýt trá hình kể trên đều hoạt động tại trung tâm thành phố và gần trụ sở các cơ quan chức năng. Trạm trung chuyển xe buýt Long Biên cách hồ Hoàn Kiếm chỉ 1 km; xe muốn về đây phải qua nhiều đội thanh tra giao thông và CSGT. Trạm buýt của Cty Việt Thanh cách Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cũng chỉ xấp xỉ 1 km.