Đây là giải thưởng phim ngắn thường niên dành cho học viên dự án Chúng ta làm phim, do Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (trung tâm TPD) - Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức.
Ngạc nhiên về chất lượng phim
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên từng nêu lên thực trạng của phim tài liệu TPD, nhiều phim rất tốt về nội dung nhưng gặp trắc trở ở vòng thẩm định của Hội đồng Trung ương vì các vấn đề kĩ thuật. 10 phim được đề cử ở hạng mục phim tài liệu năm nay có sự tiến bộ rõ rệt về kĩ thuật làm phim, đặc biệt là kĩ thuật quay. Lí giải điều này, đạo diễn Nguyễn Kim Hải, thành viên ban giám khảo, đồng thời là người trực tiếp giảng dạy các khóa học làm phim tại TPD cho biết: " Những cải tiến trong giáo trình giúp học viên có cơ hội thực hành nhiều hơn. Các thiết bị quay cũng tốt và chuyên nghiệp hơn."
Bên cạnh những đề tài truyền thống như gia đình, trường lớp, bè bạn, mùa giải này có sự dịch chuyển đến các vấn đề xã hội: người già mưu sinh (Bao giờ về - Phạm Lê Dung), mạng xã hội (Like - Hoàng Vũ Hải), bệnh nhân tâm thần (Những người bình thường - Nguyễn Mỹ Tiên), tình yêu đồng tính (Lại một chuyện tình yêu nữa - Trịnh Trần Tây)...
Theo đạo diễn Nguyễn Kim Hải, cách thể hiện quan điểm về các vấn đề xã hội cho thấy sự trưởng thành về nhận thức của các nhà làm phim trẻ. Tuy nhiên, cũng theo đạo diễn, sự thiếu hụt vốn sống, trải nghiệm khiến một số phim chưa có chiều sâu, chưa thực sự chạm đến số phận nhân vật.
So với năm ngoái, phim tài liệu năm nay thiếu những tác phẩm gai góc. Búp Sen Vàng 2013 chứng kiến sự dấn thân bất chấp nguy hiểm của Mạc Phạm Ngọc Hà khi quay những người nông dân dạt về thành thị bán sức lao động tại "chợ Người - dốc Bưởi", Lê Thu Minh trực diện và trần trụi trong những thước phim về nạo phá thai, Hà Lệ Diễm đơn độc giữa núi rừng Bắc Cạn làm phim về người phụ nữ HIV...
Sự phát triển của kĩ thuật làm phim và các tìm tòi nghệ thuật ghi dấu ấn mạnh mẽ nhất ở hạng mục phim truyện. Cả năm đề cử: Bức vách (Chu Ánh Nguyệt), Maneki Neko (Lê Hoàng Ánh Ngọc), Chiếc bình thủy tinh (Trần Thanh Vân), Hạt cam và con mèo vàng không tuổi (Nguyễn Lê Hoàng Việt), Sắc màu dịu êm (Nguyễn Trung Kiên) khiến giới chuyên môn ngạc nhiên về chất lượng phim truyện năm nay.
Nhà quay phim Lý Thái Dũng, thành viên ban giám khảo chia sẻ: "Cả 5 bộ phim đều khiến tôi ngạc nhiên. Tư duy hình ảnh xuất phát từ cách nhìn về câu chuyện rất tốt. Tốt ngoài sức hình dung của tôi".
Hạt cam và con mèo vàng không tuổi (Nguyễn Lê Hoàng Việt) và Sắc màu dịu êm (Nguyễn Trung Kiên) là hai phim gây ấn tượng mạnh về kĩ thuật làm phim và những tìm tòi trong nghệ thuật thể hiện. Cả Việt và Kiên đều theo đuổi những câu chuyện phi cốt truyện.
Nguyễn Lê Hoàng Việt chia sẻ: "Tôi chỉ muốn kể một câu chuyện, một cảm xúc hay nói đúng hơn là một hỗn hợp cảm xúc, kí ức, giấc mơ và những xúc động của mình. Bộ phim mở chứ không đóng. Nó đa nghĩa chứ không đơn nghĩa." Nguyễn Trung Kiên nói về Sắc màu dịu êm: "Cái tôi muốn là một tâm trạng, không phải là một câu chuyện rõ ràng...".
Không khó để nhận ra ảnh hưởng mạnh mẽ của những bậc thầy điện ảnh trong phim của Việt và Kiên. Các khung hình của Hạt cam và con mèo vàng không tuổi khiến người xem liên tưởng đến cuộc hôn phối giữa màu sắc và ánh sáng trong phim Trần Anh Hùng.
Sắc màu dịu êm là thế giới của những lời thoại mang tính triết lí, tưởng như rời rạc nhưng lại được kết nối với nhau bằng sự đan cài của các hình ảnh tái lập quá khứ và hiện tại. Nguyễn Trung Kiên không phủ nhận mình chịu ảnh hưởng từ Malick, Lubezki và Vương Gia Vệ.
Một cộng đồng làm phim đang lớn mạnh
Sự phát triển thần tốc của kĩ thuật số cùng sự trợ giúp đắc lực của mạng xã hội khiến việc làm phim trở nên dễ dàng. Phim ngắn nở rộ trong nhiều năm gần đây, trở thành lựa chọn thể hiện bản thân của nhiều người trẻ. Theo đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, phim ngắn Việt Nam hiện nay mang tính phong trào tự phát, mạnh ai người nấy làm, thiếu nền tảng và sự hỗ trợ.
Là tổ chức phi lợi nhuận hiếm hoi tài trợ kinh phí, thiết bị cho các nhà làm phim độc lập, cùng với các lớp học làm phim miễn phí, TPD đã hình thành một cộng đồng làm phim có nền tảng và hệ thống, nằm ngoài dòng chảy tự phát của phim ngắn Việt Nam. Đạo diễn Nguyễn Kim Hải khẳng định: "Điều quan trọng nhất ở cộng đồng làm phim này là từng thành viên truyền cảm hứng cho nhau để làm phim, từng thành viên hỗ trợ nhau trong công việc mà không hề có sự tính toán thiệt hơn."
Tham gia sản xuất cho hai phim truyện tranh giải Búp Sen Vàng năm nay, Nguyễn Thùy Dương cho biết: "Do kinh phí eo hẹp, đạo cụ, trang phục, bối cảnh của các phim tôi sản xuất đều do các thành viên trong đoàn mượn từ gia đình, bạn bè, nhờ người quen. Đạo cụ của Hạt cam và con mèo vàng không tuổi yêu cầu số lượng lớn điện thoại bàn phục vụ cho một cảnh quay.
Thay vì đi mua, cả đoàn cùng nhau tìm và mượn điện thoại. Phim Chiếc bình thủy tinh, đạo diễn đi du học nên dựng phim được thực hiện ở nước ngoài. Nhưng để có được bản dựng cuối hoàn chỉnh và ưng ý nhất thì quay phim và trợ lí đạo diễn thực hiện quá trình hậu kì song song tại Việt Nam".
Búp Sen Vàng là giải thưởng điện ảnh tôn vinh những bộ phim ngắn của các nhà làm phim trẻ không chuyên. Những bộ phim được vinh danh ở Búp Sen Vàng đều có hành trình xa hơn, đến được các liên hoan phim chuyên nghiệp và uy tín. TPD cũng là cái nôi chắp cánh cho những tên tuổi của giới làm phim độc lập Việt Nam ngày nay: Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Bùi Kim Quy.
6 phim ngắn xuất sắc nhất (3 phim tài liệu, 3 phim truyện) được tuyển chọn qua 3 vòng từ hơn 100 bộ phim dự thi sẽ được chiếu trên màn ảnh lớn tại lễ trao giải.
Hội đồng giám khảo gồm những nhà làm phim, nhà báo uy tín trong nước và trên thế giới, trong đó có đạo diễn 3 lần đoạt giải Oscar cho phim tài liệu Mark Jonathan Harris.