Buông gốc, nắm ngọn?

Buông gốc, nắm ngọn?
TP - Có lẽ câu chuyện xử phạt đội mũ bảo hiểm rởm, râm ran khắp đầu đường, cuối phố và len lỏi đến từng bữa cơm gia đình mấy ngày qua. Lẽ thường, khi được quan tâm đến sức khỏe, ai nấy phải mừng. Thế nhưng đa phần người dân thấy băn khoăn và cảm thấy cách xử phạt có điều gì gượng gạo.

Mũ bảo hiểm là một loại hàng hóa, nếu chúng bị làm giả, làm không đúng tiêu chuẩn của cơ quan chức năng thì phải xử chúng theo quy trình xử lý hàng giả, hàng nhái, thậm chí hàng cấm.

Các giải pháp xử lý phải từ khâu sản xuất, tiêu thụ, tàng trữ rồi mới đến người sử dụng. Nhưng có lẽ vì “bất lực” trước những nhà sản xuất, người kinh doanh mũ bảo hiểm rởm nên người ta đè người dùng ra để… phạt.

Thay vì kiểm soát chặt chẽ tận gốc các nhà sản xuất, kinh doanh, thì cơ quan chức năng tung lực lượng lớn và đương nhiên không ít tốn kém để kiểm tra hàng chục triệu người đội mũ bảo hiểm. Một nguồn lực xã hội có thể nói là đã bị sử dụng lãng phí!

Không chỉ vậy, lực lượng CSGT thay vì chuyên tâm tổ chức, xử lý vi phạm giao thông thì nay lại thêm nhiệm vụ “kiểm định” để xác minh đâu là mũ bảo hiểm, đâu không phải là mũ bảo hiểm. Cả người kiểm tra, xử phạt và người bị xử lý đều cảm thấy khiên cưỡng. Có người ví, phạt người đội mũ bảo hiểm rởm, tựa như phạt thực khách bị ngộ độc thực phẩm. Đáng lẽ chủ quán phải bị phạt thì người ta lại phạt vị khách vì đã ăn phải thực phẩm kém chất lượng.

Theo Kế hoạch số 69 ngày 18/4/2014 của UBATGT Quốc gia, việc xác định mũ bảo hiểm rởm (tức không được coi là mũ bảo hiểm) dựa trên ba dấu hiệu: Thứ nhất mũ không có đủ ba lớp (vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong - quai mũ); thứ hai mũ không ghi nhãn “MBH cho người đi mô tô, xe máy” và cuối cùng là mũ không có dấu hợp quy CR.

Như vậy rõ ràng, một người đội mũ mà chiếc mũ đó chỉ cần phạm phải một trong ba tiêu chí trên được coi là không đội mũ bảo hiểm và bị phạt về hành vi không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy theo Nghị định 171/2013 của Chính phủ. Sự “khéo léo” của cơ quan chức năng chính là chỗ chuyển “vi phạm chất lượng hàng hóa” của nhà sản xuất sang “lỗi hành vi” của người sử dụng để xử phạt. Nhưng đó mới là cách làm đằng ngọn!

Nếu thực sự quan tâm đến chất lượng mũ bảo hiểm và bảo vệ người tiêu dùng thì xem ra ba dấu hiệu nhận biết mũ thật, mũ giả quá hình thức. Dòng chữ “MBH cho người đi mô tô, xe máy” dán trên chiếc mũ bảo hiểm thực ra là loại giấy phép con. Bởi chẳng mấy ai lại đội loại mũ ấy khi đi bộ, hay đi ô tô cả…! Còn nhớ mấy năm trước có hành khách múa kiếm ở sân bay, nhưng có người lại bảo, không phải múa kiếm bởi trên thanh kiếm không tìm thấy chữ “kiếm”.

Giả dụ ai đó đội mũ một chiếc mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn châu Âu nhưng vì thiếu cái tem “CR” và cái dòng chữ thừa ở trên, liệu có bị coi là không đội mũ bảo hiểm? Trong khi đáng ra phải chú trọng chất lượng mũ bảo hiểm thì người ta quan tâm đến cái “tem”. Tất nhiên quyền năng quanh chiếc tem mới thực sự quyết định cái mũ là “mũ bảo hiểm” hay không!

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây.