Em không hiểu anh ấy có nghĩ đến tình cảm thiêng liêng, đến trách nhiệm của một người bố không? Đã bao lần em nói: “Anh đi làm nhưng cũng phải dành thời gian bên con”. Mẹ chồng em cũng nhắc anh, nhưng lúc đó anh cáu lên: “Ai chẳng muốn nghỉ nhưng công việc nghỉ làm sao”.
Anh làm bên kỹ thuật xây dựng, làm cả chủ nhật. Việc nhà anh cũng chẳng giúp gì. Em cũng đi làm, em làm kế toán cho một công ty, sáng dậy nấu ăn cho cả nhà, cho con ăn uống xong rồi mới đi làm. Còn anh chỉ việc dậy ăn xong rồi đi, mặc kệ vợ con ra sao.
Anh không dành thời gian bên con nên con cũng không theo bố. Có buổi tối cả nhà đi ngủ, bé hồn nhiên bảo: “Bố đi làm đi!”. Em không biết phải làm gì để anh ấy hiểu và chia sẻ việc nhà cũng như dành thời gian bên con. Mong tư vấn giúp em. (My)
Trả lời
Tâm lý người ta không giống nhau. Người xưa nói “sống mỗi người mỗi tính, chết mỗi người mỗi bệnh” là thế; không phải người khác nghĩ như ta hoặc hiểu như ta mặc dù sự thật, sự việc, hiện tượng chỉ có một. Đây là vấn đề mà các trường phái tâm lý đã đưa ra các phương pháp giải quyết nhưng chính các trường phái vẫn không thể chấp nhận nhau. Tâm lý phụ thuộc vào tính cách, vào nguồn gốc di truyền, vào văn hóa, nghề nghiệp, lối sống...
Trước hết, chồng bạn làm bên kỹ thuật xây dựng nên thường có tâm lý nghề nghiệp cần cù, tỉ mỉ, đo vẽ... khá đơn điệu. Ảnh hưởng bệnh nghề nghiệp nên anh ấy có tâm lý cộc cằn, chỉ chú ý đến việc của mình, ít quan tâm đến chuyện người khác. Nếu chồng bạn là nhà văn hoặc ảnh hưởng văn học thì sẽ giảm hoặc khắc phục được phần nào. Trong khi bạn làm nghề kế toán nên cẩn thận, chú trọng từng li từng tí, vì thế cũng dễ bắt lỗi, đòi hỏi ở người khác...
Bạn không hiểu công việc của chồng để chia sẻ mà đòi hỏi “anh đi làm nhưng cũng phải dành thời gian bên con”, “mẹ chồng bạn cũng nhắc anh”, tất cả những việc này đều đúng theo nghĩa thông thường nhưng không đúng theo nghề nghiệp, hoàn cảnh. Lẽ ra mọi người phải quan tâm xem anh làm việc thế nào, khó khăn ra sao, có vất vả không... để từ đó đưa ra lời động viên, nhưng bạn và gia đình bạn không làm việc này mà còn đổ lỗi cho anh nên anh ta phản ứng “ai chẳng muốn nghỉ nhưng công việc nghỉ làm sao”.
Công việc kỹ thuật vất vả của công trường nên “sáng đi làm tối về nhà” cho thấy anh là người tiêu biểu của nghề kỹ thuật. Với tâm lý kỹ thuật lại thích tĩnh lặng nên “ăn xong rồi đi mặc kệ vợ cho con đi học, đi làm ra sao” cũng là việc bình thường đối với anh ta, vì anh ta cho thế là đúng. “Anh không dành thời gian bên con nên con cũng không theo bố, có buổi tối cả nhà đi ngủ, bé hồn nhiên hỏi “bố đi làm đi” cũng là việc bình thường vì bé 2 tuổi nói nhưng đâu có hiểu, nó nói theo sự bắt chước từ người lớn. Có lẽ bạn là người thường nói câu này nên con của bạn đã bắt chước đấy. Bạn cần thông cảm với người có nghề nghiệp kỹ thuật như chồng bạn để anh thấy có người hiểu mình. Nếu bạn không tế nhị để anh ấy thấy đời sống gia đình là nơi bù đắp lại tất cả khó khăn của cuộc sống và công việc thì một ngày nào đó anh ấy cảm thấy cuộc sống cô đơn và vô nghĩa, lúc đó có thể rơi vào những cuộc vui chơi như nhậu nhẹt, chơi bời... thì khó mà cứu vãn. Bạn cần hiểu nghề xây dựng là nghề vất vả cả về cơ bắp và trí tuệ và cũng là nghề rất tỉ mỉ nên rất dễ có tâm lý nghề nghiệp cô độc với xung quanh. Chỉ có vợ con và gia đình là nơi nương tựa thực sự của những người như chồng bạn. Nếu bạn không là nguồn động viên, con bạn không thương yêu cha thì có thể đẩy chồng bạn xa lánh gia đình.
Bạn hãy vui vẻ với cá tính, nghề nghiệp của chồng, nghĩa là chồng lo kiếm tiền để lo cho gia đình và không nghiện ngập, bê tha là tốt rồi. Nói cho cháu hiểu cha bận việc để cháu thấy và lớn lên cháu sẽ gần gũi cha, đừng đẩy thêm cảm xúc xa cha của cháu, có khi mua cái gì đó cho con bạn cũng nói cha mua đấy để giúp cháu gần cha.
Chúc bạn hạnh phúc.
Theo GS.TS. Vũ Gia Hiền