Bước tiến dài trong dân chủ nghị trường

Trước những vấn đề quan trọng của đất nước, các đại biểu đều lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân rồi mới tiến hành biểu quyết thông qua. Ảnh: Như Ý.
Trước những vấn đề quan trọng của đất nước, các đại biểu đều lắng nghe ý kiến tâm tư, nguyện vọng của nhân dân rồi mới tiến hành biểu quyết thông qua. Ảnh: Như Ý.
TP - Từ Quốc dân Đại hội Tân Trào (16/8/1945), tới cuộc tổng tuyển cử đầu tiên trong cả nước (tháng 1/1946) và cho đến hôm nay, Quốc hội Việt Nam đã trải qua 70 năm lịch sử với 13 khóa Quốc hội được thành lập.

Trong quá trình đó, Quốc hội đã có những bước tiến dài về dân chủ, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Lần đầu tiên nhân dân có quyền làm chủ

Theo GS. TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, trước khi tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 16/8/1945, Quốc dân Đại hội được tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang) với sự tham dự của đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ta ở nước ngoài. Đại hội đã tán thành chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giành chính quyền từ tay quân Nhật, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, quy định về Quốc kỳ, Quốc ca và nhiều chiến lược quan trọng khác của cách mạng Việt Nam.

Đại hội quốc dân vừa bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 2/ 9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Và chỉ sau 4 tháng giành được độc lập, nhân dân Việt Nam lại bước vào một ngày hội lớn - ngày hội bầu cử. Theo GS. TS Trần Ngọc Đường, Chuyên gia cao cấp, cố vấn Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, bầu ra Quốc hội khoá I, là sự kiện lịch sử, đánh dấu quyền làm chủ thực sự của người dân. Bởi dưới ách thống trị của đế quốc và phong kiến, người dân Việt Nam bị tước đoạt mọi quyền dân chủ. Nay với Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, với ngày 2/9 lịch sử, lần đầu tiên, mọi người được tự do thảo luận, bàn bạc và chọn lựa những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bước tiến dài trong dân chủ nghị trường ảnh 1

Lần đầu tiên nhân dân Việt Nam được thực hiện quyền làm chủ của mình để bầu ra những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội khóa I.

Ngày 2/3/1946, Quốc hội khoá I, họp kỳ thứ nhất. Đây là Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bao gồm 403 đại biểu, trong đó 87% là những người xuất thân từ công nhân, nông dân, viên chức và quân nhân cách mạng. Lần đầu tiên ở nước ta, và ở cả vùng Đông Nam Á, xuất hiện một Quốc hội thật sự dân chủ, được bầu theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử thể hiện niềm tin sắt đá của toàn dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch. Nó biểu dương sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc trong cuộc chiến đấu chống ngoại xâm, đập tan bọn phản động, xây dựng chế độ xã hội mới. Quốc hội đã công nhận Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Hồ Chủ tịch đứng đầu. “Thông qua cuộc bầu cử đó thì từ nay nhân dân Việt Nam có một nước độc lập. Nhân dân có người đại diện để bầu ra một Chính phủ cách mạng. Chính phủ đã lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đưa nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, “thù trong giặc ngoài, liên tiếp giành chiến thắng”, GS Đường nói.

Quốc hội không còn là “chứng thực”

Theo ông GS Trần Ngọc Đường, kể từ Quốc hội khoá đầu tiên, trải qua 70 năm đến nay đã là Quốc hội khoá XIII. Trong 70 năm đó, Quốc hội không ngừng đổi mới, mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của người dân. “Nghị trường giờ đây không còn tính chất “chứng thực” như trước. Bao trùm nghị trường giờ đây là không khí dân chủ, có sự bàn bạc, tranh luận, có ý kiến trái chiều… Những Dự án luật, những vấn đề quan trọng của đất nước trước khi được Quốc hội tiến hành bỏ phiếu đều được phân tích kỹ lưỡng để tìm ra chân lý, sự thực khách quan”, GS Đường nhận xét và dẫn chứng. Nếu như trước đây, do điều kiện khách quan, do chiến tranh nên việc việc lắng nghe ý kiến của cử tri, của nhân dân còn có những hạn chế nhất định. Nhưng bây giờ tiếng nói, ý kiến của nhân dân rất được Quốc hội chú trọng.

“Nghị trường giờ đây không còn tính chất “chứng thực” như trước. Bao trùm nghị trường giờ đây là không khí dân chủ, có sự bàn bạc, tranh luận, có ý kiến trái chiều…”

GS Trần Ngọc Đường

Cũng theo GS Đường, trước mỗi kỳ họp, Mặt trận Tổ quốc các cấp, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương đều tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri để các đại biểu trao đổi, lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân gửi đến Quốc hội. Bên cạnh đó, hoạt động chất vấn cũng có nhiều đổi mới, tranh luận giữa đại biểu với những người trả lời chất vấn. Quốc hội cũng tiến hành xem xét hậu chất vấn để làm rõ trách nhiệm lời hứa của các bộ trưởng, trưởng ngành. “Đó là những bước rất dài trong dân chủ nghị trường mà trước đây chúng ta khó có thể thấy”, GS Đường nói.
Bước tiến dài trong dân chủ nghị trường ảnh 2 Không chỉ chất vấn trong nghị trường, các đại biểu còn chất vấn, tranh luận với bộ trưởng cả ở bên ngoài hành lang, nhằm làm rõ sự đúng, sai của các chính sách Ảnh: Như Ý.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, Quốc hội đang ngày càng phát triển và mở rộng dân chủ. Đặc biệt là vấn đề thảo luận về bầu cử nhân sự. Theo ông Mão, trước đây chỉ giới thiệu một người, để Quốc hội bầu một người. Nhưng vào năm 1988, sau khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng) Phạm Hùng mất, đất nước cần một người mới thay thế. Lúc đó Đảng giới thiệu đồng chí Đỗ Mười, nhưng khi ra Quốc hội khoá VIII, nhiều đại biểu lại muốn giới thiệu thêm đồng chí Võ Văn Kiệt. “Việc chấp nhận hai ứng cử viên cũng là lần đầu tiên, rất mới, như một dấu son mới về dân chủ trong hoạt động của Quốc hội”, ông Mão kể.

Cũng theo ông Vũ Mão, nếu như trước đây do nhiều điều kiện khách quan nên việc công khai hoạt động của Quốc hội cũng còn hạn chế nhất định. Thì nay báo chí không chỉ được vào dự mà những phiên họp, hay các phiên chất vấn của Quốc hội còn được truyền hình trực tiếp, để người dân tham gia, giám sát. Từ đó giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gần dân, hiểu dân. Qua đó đã đưa ra những quyết sách đúng đắn trong quá trình lập pháp, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Đánh giá về sự phát triển của Quốc hội, tại Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào được tổ chức mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, trong 70 năm qua, Quốc hội đã không ngừng đổi mới cả về tổ chức và hoạt động. Quốc hội đã đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chiến lược trong từng giai đoạn cách mạng. Trong quá trình đó, Quốc hội đã phát huy vai trò, vị trí là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, đóng góp to lớn và quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

MỚI - NÓNG