Bước thụt lùi trong quan hệ Mỹ - Nga

TPO - Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga với kết quả ít nhất 419 phiếu thuận và chỉ có 3 phiếu chống. Dư luận cho rằng động thái này là một bước lùi nguy hiểm cho mục tiêu khôi phục quan hệ song phương Mỹ-Nga mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang nỗ lực hướng tới.
Ảnh: AP

Nội dung Dự luật trừng phạt Nga của Hạ viện Mỹ

Theo thông cáo từ Đồi Capitol, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng, các nghị sĩ của Hạ viện Mỹ vẫn quyết định siết chặt trừng phạt Nga bởi nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cũng như vì hành động của Moscow tại Ukraine và Syria. Trong khi đó, Iran và Triều Tiên bị liệt vào danh sách trừng phạt vì các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ khủng bố. 

Đòn trừng phạt mới đặc biệt nhắm tới các dự án dầu khí của Nga với các công ty ở Mỹ, Đức và một số nước khác. Điều khoản trong dự luật mới cũng kêu gọi ông Trump cấm các thực thể, cá nhân Mỹ đầu tư từ 10 triệu USD trở lên trong các dự án tư nhân hóa tại Nga. Dự luật cho phép áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga vì sát nhập Crimea vào năm 2014, cũng như vì can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ.

Đặc biệt, dự luật trừng phạt mới sẽ hạn chế quyền lực đơn phương của Tổng thống Trump, yêu cầu ông chủ Nhà Trắng phải nhận được sự đồng ý của Quốc hội trước khi muốn nới lỏng hay chấm dứt các biện pháp trừng phạt nhằm vào bất kỳ một quốc gia nào. Trong dự luật đó có các điều khoản về trừng phạt Nga và buộc Tổng thống Mỹ Donald Trump phải có được sự đồng thuận của Quốc hội trước khi dỡ bỏ hoặc nới lỏng các đòn trừng phạt đối với Moscow.

Quyết định này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía các nghị sĩ ở cả đảng Dân chủ và Cộng hòa, bất chấp sự phản đối của Tổng thống Donald Trump do nhà lãnh đạo Mỹ muốn có thêm quyền kiểm soát trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt.

Với dự luật này, Chính phủ Mỹ cần phải nhận được sự chấp thuận của Quốc hội nếu muốn triển khai các bước đi nhằm nới lỏng trừng phạt. Việc bỏ phiếu tại Hạ viện mới chỉ là bước đầu tiên trong quá trình thông qua dự luật. Dự luật này vẫn cần phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn trước khi trình Tổng thống Trump ký duyệt. Tuy nhiên, các Thượng nghị sĩ chưa thông báo thời điểm thảo luận về văn kiện này. Trong khi đó, giới chức tại Nga và một vài nước châu Âu cảnh báo quan hệ giữa Washington với Moscow và các nước đồng minh sẽ xấu đi nếu ông Trump ký ban hành dự luật này.

Trước đó, ngày 15/6 với tỷ lệ số phiếu 97-2, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua Dự luật mới nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016. Trong đó nội dung của Dự luật nhằm mục đích hạn chế quyền lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các vấn đề liên quan tới Nga và khiến ông không thể đơn phương nới lỏng, hay hủy bỏ, các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow. Nếu muốn can thiệp vào vấn đề này, ông Trump phải có được sự phê chuẩn của Quốc hội Mỹ.

Nội dung chính của Dự luật được Thượng viện Mỹ thông qua nhằm vào các đối tượng bao gồm: những cá nhân có hành vi tham nhũng hoặc lạm dụng nhân quyền; tất cả những đối tượng cung cấp vũ khí cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad; các cá nhân “tiến hành các vụ tấn công an ninh mạng với sự hậu thuẫn của Chính phủ Nga”; tất cả các cá nhân và tổ chức làm việc với ngành tình báo, quốc phòng Nga; các đối tượng thuộc lĩnh vực khai mỏ, kim loại, vận tải đường thủy và đường sắt của Nga.

Bước thụt lùi trong quan hệ Mỹ-Nga

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan gọi dự luật trừng phạt mới là “một trong những gói trừng phạt mở rộng nhất trong lịch sử” và sẽ “siết chặt các đối thủ nguy hiểm nhất” để đảm bảo cho nước Mỹ luôn được an toàn.

Theo thông báo của Hạ viện Mỹ, các nghị sĩ quyết định tăng cường trừng phạt Nga vì nước này đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như các động thái của Nga tại Ukraine.

Theo hãng tin AP, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều khả năng sẽ ký dự luật trừng phạt Nga do không có nhiều lựa chọn.

Trước đó, Thư ký Nhà Trắng mới được bổ nhiệm, bà Sarah Huckabee Sanders, ngày 23/7 cho biết Chính quyền Washington ủng hộ việc có một thái độ cứng rắn đối với Nga, và “nhất là việc thực thi các lệnh trừng phạt này”.

Phát biểu trong chương trình “This Week” của kênh truyền hình ABC, bà nói: “Chúng tôi ủng hộ dự luật này, và sẽ tiếp tục phối hợp với Hạ viện cùng Thượng viện Mỹ để áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn này đối với Nga tới chừng nào tình hình tại Ukraine được giải quyết hoàn toàn”.

Thực tế, nhiều phụ tá và cố vấn tại Nhà Trắng cho rằng nếu dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua trong tuần này, Tổng thống Trump sẽ ít có lựa chọn nào khác ngoài việc ký phê chuẩn, dù đây là điều mà ông không muốn. 

Nhiều nghị sỹ Mỹ đã nhận ra mong muốn của Tổng thống Trump về mối quan hệ nồng ấm hơn với Moscow rất lâu trước khi con trai của ông Trump công bố các bức thư điện tử cho thấy ông đã tìm kiếm thông tin bất lợi về bà Clinton được cho là có thể lấy được thông qua các nguồn tin liên quan đến Chính quyền Nga. Do vậy, họ đã ủng hộ các cuộc điều tra của Ủy ban tình báo Hạ viện và Thượng viện về khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, đồng thời tán thành sự lựa chọn của Bộ Tư pháp khi quyết định để cựu Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) Robert Mueller là người đứng đầu nhóm điều tra độc lập về mối liên quan giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Moscow. 

Theo các chuyên gia phân tích, việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Nga sẽ là một bước lùi nguy hiểm cho mục tiêu khôi phục quan hệ song phương Nga-Mỹ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hướng tới, cũng như những dự định của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin. 

Mặc dù, đã được Hạ viện thông qua, tuy nhiên sẽ phải cần đến nhiều thời gian mới có thể đánh giá được tác động ảnh hưởng của dự luật này tới quan hệ Mỹ-Nga. Và chính trong khoảng thời gian đó, quan hệ Mỹ-Nga có thể sẽ có những chuyển động mới. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn là triển vọng nối lại quan hệ với Nga mà ông Trump từng tuyên bố trong chiến dịch tranh cử rất khó trở thành hiện thực tại thời điểm hiện nay.