Buộc tái xuất hơn 50 nghìn tấn ngũ cốc có mọt trước 12-3

Buộc tái xuất hơn 50 nghìn tấn ngũ cốc có mọt trước 12-3
TP - Chiều 2-3, ông Vũ Văn Hương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật vùng 1 (Bộ NN&PTNT) cho biết, ngày 1-3 chi cục phát hiện thêm 50 container chứa hơn 1.250 tấn lúa mì của một doanh nghiệp ở Hà Nội nhập khẩu từ Moldova qua cảng Hải Phòng có mọt vẫn sống (tên khoa học là Sitophilus Granarius Linnoeus).

Chi cục yêu cầu doanh nghiệp phải tái xuất toàn bộ lô hàng lúa mì trong thời gian sớm nhất vì không đảm bảo yêu cầu kiểm dịch.

Đến nay, số ngũ cốc phát hiện có mọt buộc phải tái xuất lên tới hơn 50 nghìn tấn. Đáng chú ý, hiện có hai tàu biển chở gần 44 nghìn tấn ngô hạt nhập khẩu từ Ấn Độ có mọt buộc phải tái xuất.

Trong đó, tàu Calisto chở 22 nghìn tấn ngô hạt có mọt đang đậu tại vùng biển Hạ Long (Quảng Ninh), tàu VTC Planet chở 21,7 nghìn tấn ngô hạt có mọt đang buông neo ở vùng biển TPHCM. Hàng nghìn tấn ngũ cốc khác có mọt được doanh nghiệp nhập khẩu rải rác về các cảng biển trong cả nước cũng đang chờ tái xuất.

Việc ngũ cốc có mọt nhập khẩu về Việt Nam đã được Cục Bảo vệ Thực vật phát hiện từ giữa năm 2010 và đã cho phép nhập sau khi khử trùng với khối lượng gần 28 nghìn tấn. Tháng 1, một số doanh nghiệp VN lại nhập khẩu thêm 299 container ngũ cốc có mọt với trọng lượng hơn 5,7 nghìn tấn. Số ngũ cốc có mọt này lại được khử trùng và tiếp tục cho phép nhập khẩu.

Vụ việc ngũ cốc có mọt nhập khẩu tạm dừng lại khi hai tàu biển Calisto và VTC Planet chở ngô hạt về Việt Nam. Bộ NN&PTNT báo cáo Thủ tướng và đề xuất phương án buộc tái xuất những lô hàng ngũ cốc có mọt ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đoàn cán bộ kiểm dịch Ấn Độ đã bay sang Việt Nam, lên tận tàu kiểm tra và thừa nhận gần 44 nghìn tấn ngô hạt này bị nhiễm mọt.

Ngày 2- 3, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Hoàng Trung cho biết, Cục đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu trước 12- 3 phải tái xuất hơn 50.000 tấn ngô và đậu tương do nhiễm mọt.

Trong văn bản gửi Bộ trưởng NN&PTNT, Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi đề xuất, trong cùng chuyến tàu, nếu hầm tàu nào không bị nhiễm mọt, thì phủ bạt che chắn cách ly để giải phóng hàng ở hầm tàu đó, cho phép thông quan, không nhất thiết một hầm tàu có mọt lại yêu cầu cả tàu phải tái xuất.

Điều này sẽ giúp tháo gỡ khó khăn cho ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh giá nguyên liệu đang tăng mạnh, hàng nhập từ Mỹ, Argentina đắt hơn nhập từ Ấn Độ 40- 45 USD/tấn.

Trogoderma Granarium là loài mọt cánh cứng, là loại côn trùng phá hoại cực kì nguy hiểm có sức chịu nóng đến 50 độ C và chịu lạnh đến âm 18 độ C, chịu độ ẩm đến 2% và có thể duy trì sự sống đến 5 năm trong môi trường không có thức ăn. Chúng có thể phá hoại hơn 100 loại ngũ cốc, lương thực, hạt giống...

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG