Bước đột phá về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên

Bước đột phá về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên
TP - Ngày 1/11, CHDCND Triều Tiên khẳng định sẵn sàng trở lại bàn đàm phán 6 bên trong một nỗ lực nhằm tháo gỡ sự phong tỏa quốc tế đối với các tài khoản đang bị đóng băng của mình ở ngân hàng nước ngoài.
Bước đột phá về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1
Binh sĩ CHDCND Triều Tiên

Số tiền trong các tài khoản này là nguồn ngoại tệ mạnh sống còn đối với Bình Nhưỡng. Ba tuần sau vụ thử hạt nhân, CHDCND Triều Tiên hy vọng có thể tháo gỡ được những hạn chế tài chính tại bàn đàm phán 6 bên vốn bị bế tắc từ cuối năm ngoái.

Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ đề cập một cách gián tiếp đến vụ nổ thử hạt nhân hồi tháng trước và cũng không nói rõ liệu nước này có còn tôn trọng những cam kết trong bản thỏa thuận trước đây về việc từ bỏ mọi tham vọng hạt nhân hay không.

Động thái trên đây cho thấy một khi vòng đàm phán 6 bên được nối các nhà đàm phán cũng sẽ phải đối mặt với những rắc rối khác. CHDCND Triều Tiên nhấn mạnh rằng chính cuộc gặp gỡ trực tiếp của họ với Mỹ trong các cuộc thương lượng bí mật hôm 30/10 tại Bắc Kinh đã giúp tạo ra bước đột phá về mặt ngoại giao này.

Ngay cả Tổng thống Mỹ George W. Bush- người từ lâu vẫn thường bác bỏ mọi cuộc đàm phán trực tiếp giữa Mỹ với CHDCND Triều Tiên- cũng đánh giá cao đối với Trung Quốc trong vai trò trung gian để đạt được sự thỏa thuận nối lại đàm phán 6 bên.

Từ cuối năm ngoái, CHDCND Triều Tiên  từ chối trở lại bàn đàm phán 6 bên để bày tỏ sự phản đối Mỹ áp đặt lệnh hạn chế tài chính đối với Bình Nhưỡng. Sự trừng phạt mà Mỹ đã công bố là đưa vào danh sách đen một ngân hàng ở Macau đang nắm giữ các tài khoản của CHDCND Triều Tiên.

Các quan chức Mỹ đã tìm mọi cách lôi kéo nhiều nước khác tham gia ngăn cản CHDCND Triều Tiên kinh doanh ở nước ngoài. Mọi sự giao dịch tài chính liên quan đến CHDCND Triều Tiên đều bị Mỹ nghi ngờ có liên quan đến việc sản xuất tiền giả và rửa tiền.

Hôm 31/10, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên  cho biết Bình Nhưỡng đã quyết định trở lại bàn đàm phán về giải trừ quân bị với điều kiện việc dỡ bỏ các trừng phạt về tài chính sẽ được thảo luận và giải quyết giữa Washington và Bình Nhưỡng trong khuôn khổ của cuộc đàm phán 6 bên.

Trong một bản tin do Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) phát đi, Bình Nhưỡng cho rằng việc thử hạt nhân vừa qua chẳng qua chỉ là một biện pháp tự vệ của CHDCND Triều Tiên nhằm chống lại các mối đe dọa hạt nhân của Mỹ đang tăng lên hàng ngày cũng như chống lại sự trừng phạt về tài chính của Mỹ mà thôi.

Cuộc đàm phán 6 bên gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Nga, và hai miền Triều Tiên cuối năm ngoái đã đạt được một thỏa thuận về việc Bình Nhưỡng cam kết từ bỏ chương trình hạt nhân của mình để đổi lấy viện trợ kinh tế và sự đảm bảo về an ninh. Tuy nhiên sau khi bản thỏa thuận được ký kết, việc thực hiện thỏa thuận đó gần như không đạt được tiến bộ nào.

Lâu nay Mỹ vẫn cho rằng vấn đề trừng phạt tài chính đối với CHDCND Triều Tiên  là việc bình thường về kinh tế không liên quan gì đến cuộc đàm phán 6 bên. Thế nhưng tại Bắc Kinh hôm 30/10 vừa qua, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Christopher Hill khẳng định Washington đã đồng ý nêu vấn đề tài chính này trong cuộc đàm phán 6 bên sắp tới nếu được nối lại.

Phía CHDCND Triều Tiên  thì cho rằng sở dĩ có việc Bình Nhưỡng đồng ý nối lại đàm phán 6 bên là do kết quả đạt được trong cuộc đàm phát song phương với Mỹ - điều mà từ lâu họ vẫn tìm kiếm.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Christopher Hill cho biết cuộc đàm phán 6 bên tuy có thể được nối lại vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 năm nay nhưng vẫn còn nhiều vấn đề phải thương lượng lâu dài.

Tại Seoul, Thứ trưởng Ngoại giao Yu Myung Hwan hôm 1/11 bày tỏ chờ đợi các nhà lãnh đạo của các nước liên quan sẽ thảo luận vấn đề này khi họ đến Việt Nam dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC trung tuần tháng 11. Ông Yu Myung Hwan cũng hy vọng vòng đàm phán 6 bên được nối lại cùng thời gian đó.

Tổng thống Mỹ George W. Bush đón nhận một cách thận trọng tin Bình Nhưỡng đồng ý trở lại bàn đàm phán 6 bên, mặc dù ông bày tỏ sự hoan nghênh bước đột phá đó đồng thời cám ơn sự trung gian của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Bush vẫn cho rằng không vì thế mà Mỹ ngừng các nỗ lực thực thi bản Nghị quyết trừng phạt Bình Nhưỡng mà Hội đồng Bảo an LHQ thông qua sau vụ thử hạt nhân hôm 9/10 vừa qua. Nghị quyết này cấm Bình Nhưỡng mua, bán vũ khí cũng như các mặt hàng đắt tiền khác.

Trong khi đó, tại Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yasuhisa Shiozaki cho biết Chính phủ Nhật vẫn tiếp tục duy trì trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên cho đến khi nào Bình Nhưỡng từ bỏ việc phát triển hạt nhân. 

MỚI - NÓNG