Bùi Văn Tuất: Vẽ một tuổi thơ lăn lóc

Họa sĩ Bùi Văn Tuất
Họa sĩ Bùi Văn Tuất
TP - Anh nói: Đi đến đâu, việc đầu tiên tôi cũng phải giới thiệu mình là dân tộc Mường. Tuất sinh ra ở bản Mường, dưới chân núi Ba Vì, Hà Tây cũ. Bản Mường ngày hôm nay đã thay da đổi thịt nhưng họa sỹ trẻ vẫn ám ảnh khôn nguôi ký ức về một tuổi thơ lăn lóc như những chú nghé con.

Chỉ cần nghe tên, nhìn mặt đã đoán chắc năm sinh của anh: 1982. Bùi Văn Tuất kể, cả bản Mường của anh chẳng ai vẽ vời.

Hẹn gặp Tuất trước thềm triển lãm cá nhân đầu tiên của anh, diễn ra từ 4-9/12, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ trẻ dụ tôi đến xưởng tranh. Ở thủ đô đất chật người đông, diện tích xưởng tranh của họa sỹ trẻ khiến tôi ngỡ ngàng bởi sự rộng rãi hơn tưởng tượng. Tuất hồn nhiên giới thiệu: Anh thuê mặt bằng căn hộ này nhưng cũng không biết người ta đuổi đi lúc nào. 18 bức tranh dự định có mặt tại triển lãm đã được đặt ngay ngắn ở những vị trí khác nhau. Tác động lập tức đến thị giác của tôi là bức “Có một ngày như thế” bởi nó phô bày một cách khoáng đạt đời sống trẻ thơ dân tộc thiểu số vùng cao trong một ngày bình thường, cha mẹ đi làm, lũ trẻ đủ mọi lứa tuổi tụ tập chơi với nhau, những vật nuôi trong nhà cũng quây quần quanh chúng. Nhìn sang bên cạnh là những bức tranh khác, khổ nhỏ hơn: Một bé trai đi dép nhựa tay cầm con quay, một cô bé xinh xắn ngồi thêu bên bếp lửa, một bé gái mắt trong veo đứng bên một chú ngựa… Tất cả những bức tranh này đều được đặt cho những cái tên giản dị nhất có thể, tác giả chuộng kiểu nghĩ sao đặt tên vậy. Sự hoa mỹ, bay bổng xem ra lạc tông với họa sỹ Mường.

Tôi hỏi Tuất: “Tuổi thơ như thế” là tuổi thơ nào? Tuổi thơ của lũ trẻ vùng cao hay tuổi thơ của cậu bé Mường tên Tuất? Bùi Văn Tuất cười: Đó là tuổi thơ của tôi. Cùng với sự thay đổi của xã hội, những bản người Mường  cũng đổi thay theo. Nhưng ký ức thời nhà tranh vách đất vẫn đeo bám Tuất khôn nguôi. Mỗi năm anh vẫn dành thời gian “phượt” để trải nghiệm đời sống đồng bào vùng cao từ Sơn La, Hà Giang đến Lào Cai. Lũ trẻ con vùng núi gợi nhắc anh về quá khứ xa xăm, anh cũng từng như chúng, cũng tự chơi khi bố mẹ vắng nhà, cũng lăn lê bò toài trên nền đất, lớn lên một chút, lại tìm vui ở những đồ chơi tự chế… Vẽ trẻ con miền núi cũng là vẽ lại tuổi thơ của mình, thiếu thốn nhưng trong trẻo, yên vui. Tất cả những nhân vật bé thơ xuất hiện trong tranh đều có nguyên mẫu ngoài đời. Tôi không được xem ảnh của những nguyên mẫu đó nhưng trong tranh Bùi Văn Tuất các em hiện lên vô cùng sống động, vừa nhỏ bé, xinh xắn, vừa ngác ngơ như những đóa hoa dại. Khi đăng những bức tranh lên trang cá nhân, Bùi Văn Tuất nhận được rất nhiều lời khen: Đẹp quá! Nhà văn Trần Thị Trường thốt lên: “Ngắm mãi không biết chán”. Chúng tôi trò chuyện với nhau trong xưởng tranh, trong khi những người thợ chuyển khung tranh đến. Một phụ nữ theo cùng đám thợ vào xưởng tranh, chị ngắm nghía những bức tranh trong xưởng và nhận xét: Thật quá! Đúng ngày xưa của tôi. Cứ nhìn bức sơn dầu họa cảnh cô bé ngồi thêu bên bếp lửa, bên cạnh là đàn gà con đang mổ thức ăn, chú chó con nằm thư thái, cùng với lỉnh kỉnh chảo, xoong, nồi, ấm, dao cài trên tường đất, ai chẳng nhận ra một phần quá khứ của mình hay của mẹ cha mình ẩn hiện đâu đó. Những bức tranh của Tuất gợi cảm giác ấm áp và hoài niệm nhờ sắc vàng lúc nào cũng xuất hiện len lỏi, hoặc cố tình lấn chiếm. Họa sỹ giải thích về sắc vàng trong tranh: “Tôi ở nhà tranh vách đất, trên 10 tuổi thì gia đình mới phá bỏ để xây nhà cấp 4. Bây giờ nơi tôi sinh ra và lớn lên gần như phá hết những kiểu nhà này rồi, nên rất nhớ. Với tôi đó là “đặc sản”.

Đã nghe lời đồn rằng Tuất mạnh ở mảng chân dung. “Tuổi thơ như thế” là triển lãm tranh về trẻ em vùng cao nhưng lạc vào đó hai chân dung người lớn, một cụ bà, một cụ ông. Lại nhớ những câu thơ giàu màu sắc hội họa của Đoàn Văn Cừ: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh”. Và chân dung bà cụ già: “Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/Nước thời gian gội tóc trắng phau phau”. Ngược lại, chân dung của Tuất về người già thoảng chất thơ. Ngắm hai cụ người ta không thấy thời gian là kẻ thù đáng sợ, mà thấy tuổi già có sức mạnh và vẻ đẹp riêng. Tranh đẹp nhờ sự tỉ mỉ từng chi tiết, đến những nếp nhăn trên mặt người cũng kỹ càng. Thế mới có chuyện, khi Tuất đăng những bức tranh của mình lên trang cá nhân, có người gợi ý: Vẽ thế này, sao không vào nhóm hiện thực? Có người khác còn hỏi: Vẽ đen trắng hay photoshop đấy họa sỹ ơi? Họa sỹ đáp: Tôi chụp tranh bằng điện thoại đen trắng. Một số người Việt, trong đó phần nhiều là trẻ con, thường nhầm tranh với ảnh. Tôi nghĩ, trường hợp tranh của Tuất dễ gây nhầm. Trong đời sống nghệ thuật hôm nay, không riêng gì hội họa, tìm được một tác phẩm đẹp, chân thực không dễ. Sự tìm tòi những phương pháp biểu đạt mới, đôi khi khiến chủ thể sáng tạo bóp méo hiện thực. Không ít họa sỹ tuyên ngôn: Tôi không vẽ những bức tranh đẹp (hoặc đèm đẹp). Nhưng đẹp kiểu cổ điển vẫn là gốc của nghệ thuật. Có điều không phải ai cũng có năng khiếu vẽ đẹp, vẽ chân thực.

Triển lãm “Tuổi thơ như thế” diễn ra chưa đầy một tuần song để có triển lãm này họa sỹ người Mường đã phải miệt mài hơn 2 năm, giam mình trong xưởng tranh. Hoạt động một ngày của anh chỉ quanh quẩn ăn-ngủ-vẽ tranh. Tuất lấy ngày làm đêm, lấy đêm làm ngày. Những “đứa con tinh thần” chủ yếu sinh vào ban đêm, vắt kiệt sức lực của người nghệ sỹ.

“Tôi không vẽ giỏi hơn người khác, không vẽ hay hơn người khác nhưng tôi vẽ từ bên trong, từ trái tim này.

Đa số người Việt vẫn có quan niệm: Trong nhà treo tranh phong cảnh, hoa lá, cỏ cây… thì hợp lí, ai treo người lạ? Mà tranh của Tuất thì toàn nhân vật, là những gương mặt bé thơ dân tộc thiểu số vùng cao. Nhưng ngay trong khoảng thời gian Tuất bù đầu với triển lãm tranh đã có những nhà sưu tập qua chơi và đã có những bức tranh được rước. Hay một chân dung nhí vùng cao của anh trong triển lãm chung “Miền Tây Bắc” cũng đã bay sang nước Úc xa xôi. Để có điều kiện vật chất cho triển lãm tranh, Tuất cũng vẽ theo đơn đặt hàng. Không ít ông bố, bà mẹ đem con mình đến làm mẫu cho Tuất vẽ, để lưu lại tuổi thơ của chúng. Vẽ theo đơn đặt hàng, Tuất vẫn kỹ như thường. Trên facebook, có lúc thấy Tuất than: “Khung thì xong từ tết, tranh thì 2 tết rồi vẫn chưa xong”. Họa sỹ Mường kỹ từ khung tranh, công việc thử khung cho tranh cũng ngốn của anh không ít thời gian.

Viết, vẽ về đề tài vùng cao không phải con đường mới lạ, tức là Tuất không phải người mở đường. Anh khác gì so với những người đi trước? Họa sỹ Mường đáp: “Tôi không vẽ giỏi hơn người khác, không vẽ hay hơn người khác nhưng tôi vẽ từ bên trong, từ trái tim này. Một họa sỹ giỏi đến vùng cao thấy lạ, thấy đẹp, người ta cũng vẽ nên một bức tranh vùng cao đẹp. Người ta thấy lạ, thấy đẹp nên vẽ. Còn tôi thấy tuổi thơ của các em gần gũi với mình nên vẽ ra, chính là tôi vẽ cuộc sống của tôi thông qua nhân vật”. Nói là dành hơn 2 năm để thực hiện triển lãm, song những ý tưởng và những ám ảnh về đề tài triển lãm lần này đã đến với Tuất từ lâu, ngay khi mới ra trường, cách đây 11 năm. Như nhiều họa sỹ Tuất cũng vẽ nude, cũng vẽ tĩnh vật, cũng thử trừu tượng, song anh nhận ra tâm huyết của mình đặt cả vào đám trẻ con dân tộc thiểu số.

Trong văn chương có cách nói, ngửi văn biết người. Trong hội họa cũng vậy, một số họa ghi dấu ấn khiến người xem nhìn tranh biết ngay tác giả, không cần liếc qua chữ ký. Còn Bùi Văn Tuất thì sao? Anh không nghĩ nhiều đến chuyện dấu ấn cá nhân nhưng cũng đủ tự tin để biết mình không đến nỗi nhạt nhòa: “Tôi chưa dám khẳng định người ta xem tranh đã đoán ra tôi là tác giả. Nhưng cũng đã có những người vô tình gặp một bức tranh của tôi ở đâu đó, chụp ảnh lại, gửi cho tôi và hỏi, có phải anh là tác giả không? Ít nhiều tôi cũng có dấu ấn trong lòng ai đó rồi nhỉ?”.

Có thể sau triển lãm này, Tuất sẽ tung tẩy hơn, phá cách hơn ở những đề tài khác, nhưng người ta nói nơi bắt đầu cũng là nơi kết thúc nên những ám ảnh tuổi thơ, chắc gì đã buông tha Tuất? Có thể nó sẽ sống lại trong một diện mạo mới, ở những triển lãm sau?

Bùi Văn Tuất: Vẽ một tuổi thơ lăn lóc ảnh 1 Trong xưởng vẽ của Bùi Văn Tuất. Tranh lớn nhất: Một ngày như thế- sơn dầu-170x400cm-2018
Bùi Văn Tuất: Vẽ một tuổi thơ lăn lóc ảnh 2

Mùa đông này em có áo mới - Sơn dầu - 70x50cm-2018

Bùi Văn Tuất: Vẽ một tuổi thơ lăn lóc ảnh 3 Không gian trong bếp - sơn dầu - 160x200cm - 2018
MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm 2025, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). 
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
Gameshow cũng trở thành 'thần tượng'
TP - Việc các concert “anh trai” được tổ chức liên tục (6 đêm trong vòng hai tháng) vẫn thu hút hàng trăm nghìn lượt khán giả đương nhiên là tín hiệu tốt cho ngành tổ chức biểu diễn, mở ra hướng đi mới cho công nghiệp văn hóa. Nhưng làm nên chuyện không chỉ do các nghệ sĩ. Lần đầu tiên có dấu hiệu khán giả không chỉ thần tượng nghệ sĩ mà hâm mộ gameshow góp phần tạo nên những thần tượng đó…