Bục giảng đâu chỉ đơn giản là mưu sinh

Có dịp đi công tác vùng cao, tiếp xúc với nhưng mái trường mà nơi ấy thấm đượm tình thầy - trò, mới ngẫm rõ thêm câu nói: Bục giảng đâu chỉ đơn giản là mưu sinh!

Thầy giáo Cầm Văn Thạnh với một học sinh người Mông trên vùng cao Suối Tọ (Phù Yên, Sơn La). K.T
Thầy giáo Cầm Văn Thạnh với một học sinh người Mông trên vùng cao Suối Tọ (Phù Yên, Sơn La). K.T

Ở nhờ để được dạy học

Tôi đến điểm Trường Tiểu học Leng Su Sìn ở bản Phứ Ma, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé (Điện Biên). Tuy nằm ngay bên đường cái lớn dẫn lên cửa khẩu A Pa Chải với Trung Quốc nhưng ở đây vẫn còn những lớp học tạm bợ.

Vào ngày nghỉ nên lớp vắng tanh. Đến gần một ngôi nhà giống như túp lều rách gần cổng trường, thấy một ông thợ mộc đang lạch cạch đục đẽo giữa sân, tôi hỏi thăm về tình hình dạy và học ở đây. Ông thợ mộc phân trần: Ở đây xa trung tâm tỉnh hơn 200km, dân cư chủ yếu là người Hà Nhì, người Mông, cuộc sống nhiều khó khăn nên việc dạy và học chưa thuận lợi lắm đâu.

Trong ngôi nhà của ông thợ mộc này chỉ chừng vài chục m2, vừa đủ kê 2 cái sạp tre làm giường và một bộ bàn ghế kiêm bàn ăn nằm ngay bên bếp. Có tới 2 người phụ nữ đang bồng bế trẻ trong nhà. Hỏi ra mới biết, ông thợ mộc kia là thầy giáo Lê Hồng Sơn.

Còn 2 phụ nữ trong nhà là cô giáo Hà Thị Vượng (vợ thầy Sơn) và Hoàng Thị Hà. Vợ chồng thầy Sơn từ miền Trung lên đây dạy học đã được mấy năm, còn cô giáo Hà thì mới từ Hà Nội lên đây dạy học được 1 năm và đang ở nhờ nhà thầy Sơn vì “chẳng biết lấy tiền, lấy đất ở đâu ra mà dựng nhà trong khi nhà công vụ không có”.

Thầy Sơn cho hay: Khi cô Hà mới lên đây cũng đã nhờ người làm giúp 1 gian nhà tạm gần sân trường nhưng sau đó một số phụ huynh bảo đấy là đất nương của họ nên họ phá bỏ (vì trường chưa có bìa đỏ rõ ràng nên không thể tranh với dân). Cùng cảnh xa quê đi dạy học nên dù nhà chật chội, sinh hoạt cũng bất tiện lắm nhưng chúng tôi vẫn cho cô ấy ở nhờ”.

Tôi hỏi cô Hà: “Phụ huynh làm vậy có thấy giận không ?”. Hà bảo: “Em không giận nhưng cũng thấy buồn. Ở đây, giáo viên phải bám lấy học sinh, vừa dạy, vừa dỗ nên phụ huynh quan trọng lắm. Có việc họ làm sai nhưng mình vẫn phải nhẹ nhàng. Đi ở nhờ thế này, cả em và gia đình anh Sơn đều thêm vất vả. Nhưng bù lại, chúng em được làm cái nghề mình thích, mình yêu…”.

Khi bục giảng không chỉ là nơi mưu sinh

Trong một lần về công tác tại bản Chát A, xã Suối Bau, huyện Phù Yên (Sơn La), tôi gặp cô giáo Vũ Thị Xuyến, giáo viên tiểu học xã Suối Bau đang loay hoay vượt qua rãnh nước lưng chừng con dốc đèo Chát A, vừa bị đất sạt xuống sau trận mưa đêm qua. Cô Xuyến bảo: “Đường lên bản này rất khó đi, thường ngày 4-5 giáo viên dạy ở điểm trường này đi cùng, có gì khó khăn thì hỗ trợ nhau. Hôm nay con em bị ốm đi dạy muộn hơn mọi ngày mươi phút nên không kịp anh em trong đoàn, gặp đất sạt mới, khó qua quá”.

Đỡ xe qua rãnh giúp cô Xuyến, thấy có cái bao tải buộc trên yên xe, hỏi cô Xuyến xem bao đựng gì, cô bảo: “Đây là quần áo cũ của vợ chồng em và các cháu trong nhà, bây giờ không dùng nữa nên mang lên lớp cho các em học sinh dùng. Ở đây, các giáo viên đều làm thế cả. Học sinh rất nghèo, mùa đông đến mặc phong phanh lắm. Mấy năm dạy ở đây, em cứ thấy ai có quần áo, giày, dép còn tốt mà không dùng đến là xin lại, giặt sạch mang lên cho học sinh và các phụ huynh nghèo nữa”.

Thấy tôi lắc đầu ái ngại, Xuyến bảo: Thế này còn hạnh phúc lắm anh ạ. Nhiều điểm trường vùng sâu còn gian khổ hơn nhiều, đi xe máy phải có xích quấn lốp mới vượt được đường trơn. Có nhiều lớp học cách xa trung tâm trường tới 60-70km.

“Xa thế, khổ thế nhưng cuối ngày chúng em vẫn phải cố về với gia đình bởi chồng mong, con ngóng, bởi trách nhiệm của mình với mái ấm nhỏ bé. Để rồi sáng sớm hôm sau lại khẽ khàng lừa con ngủ, dắt xe lặng lẽ rời nhà khi trên đường vẫn lạnh thấu sương đêm. Nhiều hôm đến lớp, răng hàm vẫn đánh lập cập, tay phải hơ lửa một lúc lâu mới cầm được phấn, được bút. Nhưng mình là giáo viên, làm sao nỡ bỏ lớp, bỏ trò lại hả anh!” – cô Xuyến tâm sự.

Thầy Cầm Văn Thạnh - Phó Trưởng phòng GDĐT huyện Phù Yên tâm sự: Giáo dục đúng là một nghề, nhưng với rất nhiều thầy giáo, cô giáo ở vùng cao thì họ làm nghề ấy không chỉ bởi mưu sinh mà bởi lòng yêu trẻ, yêu nghề thôi thúc họ!

Theo Theo eva.vn
MỚI - NÓNG