Bữa tất niên và tình nghệ sĩ

Ánh Tuyết sát cánh cùng các nhạc công lão thành. Ảnh: NVCC.
Ánh Tuyết sát cánh cùng các nhạc công lão thành. Ảnh: NVCC.
TP - Mấy hôm nay, ca sĩ Ánh Tuyết liên tiếp cập nhật những dòng tiền gửi về tài khoản của chị. Người vài triệu, người vài chục triệu đồng. Tiền này không phải cho chị mà dành cho Hội tương trợ Cựu Nhạc sĩ Biểu diễn Sài Gòn- một hội do chính các nghệ sĩ lão thành tự lập để tương trợ lẫn nhau.

Ánh Tuyết kêu gọi qua Facebook: “Chúng tôi rất cần sự đóng góp giúp đỡ của những tấm lòng vàng để Hội tương trợ Cựu Nhạc sĩ Biểu diễn Sài Gòn có được số tiền quỹ nhằm thực hiện các hoạt động thăm hỏi, giúp đỡ cho các hoàn cảnh khó trong năm và bữa cơm giao lưu ấm cúng thân tình cho khoảng 200 nghệ sĩ và 30 phần quà cho những hoàn cảnh khó khăn vào ngày 25 Âm lịch này. Để họ có một cái tết ấm áp tình nghệ sĩ trong tình người tình đời này”.

Các bữa gặp gỡ tất niên được gọi là Tao ngộ bằng huynh do Hội tương trợ Cựu Nhạc sĩ Biểu diễn Sài Gòn tổ chức tới nay được 12 lần. Hội này do cố nghệ sĩ ghi-ta Hoàng Liêm khởi xướng. Trong những cuộc gặp mặt đó, ai nghèo tới dự, ai giàu thì đóng góp. Những cựu nhạc công từng chinh chiến khắp các sân khấu Sài Thành nửa thế kỷ trước có dịp ngồi hàn huyên, xem đàn em U60 trình diễn trong cuộc vui năm mới có một lần. Cũng nhân dịp này, những hoàn cảnh khó khăn được tương trợ.

Ba năm trước, ca sĩ Ánh Tuyết lần đầu đến dự sự kiện này. “Đến dự bữa tất niên của Hội Tương trợ Cựu nhạc sĩ biểu diễn tôi thấy ân hận và day dứt. Đáng ra tôi phải quan tâm đến họ sớm hơn”. Buổi gặp theo miêu tả của Ánh Tuyết: “Người tươm tất ở bên Mỹ về. Người đi xe ôm, xe đạp tới. Nhiều ông mặc đồ thảm lắm, mới vô còn mặc cảm tự ti. Gặp nhau họ mừng lắm, sau một hồi nói chuyện, hồi tưởng hoài niệm… họ như quên hoàn cảnh hiện tại không đủ cơm ăn áo mặc. Tôi đứng ngoài nhìn thấu điều đó, thấy thương”. Lần đó chị rủ diễn viên Mai Hoa, nhà báo Cao Minh Hiển tới cùng đóng góp và kêu gọi bạn bè ở Úc hỗ trợ 15 nhạc công có hoàn cảnh khó khăn mỗi suất 1 triệu đồng. Tuy Ánh Tuyết hầu như chưa từng làm việc với các nhạc công đáng tuổi cha chú, có những người làm nghề khi chị chưa ra đời, nhưng chị vẫn hẹn năm sau sẽ “bao” toàn bộ phần tiệc.

“Dù sao họ cũng góp phần cho âm nhạc Việt Nam được như hôm nay. Những người thời kỳ đầu mới là quan trọng. Họ bắt đầu từ khi không có gì. Giờ chúng ta có hết. Họ giống người đi phát rẫy, để giờ đây chúng ta làm nhà vườn, biệt thự”.

Ca sĩ Ánh Tuyết

Có những người tuổi trên dưới 90 như ông Tám Lang- được xem là tay trống đầu tiên của Sài Gòn, bà Bê- xem là nữ nghệ sĩ piano đầu tiên… may mắn được tá túc ở Trung tâm dưỡng lão của Hội Nghệ sĩ cải lương vì trước đây họ có chơi nhạc cho cải lương. Nhạc công là đối tượng có lẽ dễ bị quên lãng nhất trong thành phần những người làm nhạc. Trước đó, bà Bê từng phải đi bán vé số. Ánh Tuyết cho hay, chị biết một nữ diễn viên múa về già cũng đang đi bán vé số ở Nha Trang, hay ở Củ Chi có nhạc công ghi ta lên lão vẫn phải chạy xe ôm… “Trong khi chờ Nhà nước hoàn tất công tác trợ cấp xã hội, thôi thì anh em trong nghề ủng hộ lẫn nhau. Tôi cũng hy vọng từ hội này lần lần thành lập hội tương tự ở các tỉnh”, chị phát biểu.

Trong cuộc gặp hôm nay, Ánh Tuyết sáng kiến giúp Hội phát 200 tờ đăng ký thông tin cá nhân của các lão hội viên. Chị cũng cho chụp ảnh họ dán lên đấy để tiện theo dõi tình hình của mỗi người. Chị hiểu rõ tầm quan trọng của thông tin, vì từng rất khó khăn mới tìm ra nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Vào khoảng 1993, sau khi ra đĩa nhạc Dương Thiệu Tước, Ánh Tuyết muốn tận tay mình đưa tiền tác quyền cho ông. “Hỏi các hãng băng đĩa, chẳng hãng nào biết ông ở đâu, Hội Âm nhạc cũng không biết. Vậy không hiểu họ trả tác quyền cho ông bằng cách nào?!”. Rồi Ánh Tuyết được một nhà thơ già “không nằm trong hội nào” đi xe đạp tàng tàng dắt tới nơi. “Hôm đó trước Tết 3-4 ngày, tôi bước vô nhà ông ở một con hẻm trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh mà sững sờ, nghèo chi mà nghèo! Nhà trống huơ, sau lưng ông chỉ có chiếc tủ ọp ẹp với chiếc TV đen trắng được bảo quản bằng cách úp bìa các-tông ra ngoài…”. Ánh Tuyết đưa 1,5 triệu tiền tác quyền cho cả 3 bài của Dương Thiệu Tước do chị hát trong album Cung đàn xưa.

“Tôi biết ông rất xúc động nhưng không thể hiện ra. Ông chỉ nói: “Đây là lần đầu tiên trong đời một ca sĩ mang tiền tác quyền đến tận nhà trả cho tôi!””. Nhạc sĩ cũng kể thấy người ta dùng nhạc của mình nhiều, ông cũng đến các hãng băng đĩa để hỏi, nhưng họ chỉ người này người kia và bảo ông chờ đợi… cho đến khi ông tự mệt mỏi mà bỏ cuộc.

Gần đây, Ánh Tuyết cũng góp phần gây chú ý tới hoàn cảnh của nhạc sĩ Thanh Bình bằng bài báo do chính chị viết về ông, dù chị chưa từng hát nhạc của ông. Sau bài viết này, nhạc sĩ nghèo vào những ngày cuối đời đã nhận được hàng trăm triệu đồng giúp đỡ. Sau khi lo nơi an nghỉ cho ông, Ánh Tuyết thay mặt các mạnh thường quân trao lại cho con gái ông hơn 180 triệu đồng.

MỚI - NÓNG