Bữa sáng với các đại gia nước Nhật

Bữa sáng với các đại gia nước Nhật
TP - Nắng thu Tokyo vàng hươm báo hiệu một ngày lành trên đất Phù Tang. Thời tiết như cũng chiều một ngày bận rộn, chương trình làm việc sít sịt suốt từ 7h sáng đến 10h đêm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. - Tường thuật của phóng viên Xuân Ba từ Tokyo.
Bữa sáng với các đại gia nước Nhật ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe  Ảnh: Reuters

Bảy giờ sáng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng dự bữa ăn sáng ngay tại khách sạn New Otani mà Đoàn đại biểu Việt Nam đang ngụ với một số đại gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin của nước Nhật.

TGĐ FPT Trương Gia Bình chỉ cho tôi các thực khách cỡ đại gia như ông chủ các hãng NTT, Hitachi, Toshiba. Matsushita, NEC, Fujitshu, Mitsubishi, Sanyo... đang quây quanh Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong căn phòng tầng trệt khách sạn New Otani.

Ăn sáng hình như chỉ là cái cớ để nhóm doanh nhân công nghệ thông tin này có dịp cùng Thủ tướng Việt Nam bộc bạch nhiều điều với mục đích làm sao hệ thống công nghệ thông tin của Nhật đứng chân chắc hơn trên thị trường Việt Nam cũng như  việc gia công phần mềm cho Nhật Bản của các Cty Việt Nam suôn sẻ hơn...

Nếu như chưa có việc các Tập đoàn kinh tế lớn của Nhật Bản đến chào Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, có lẽ câu chuyện của bữa sáng này hẳn còn nối dài.

Mở đầu cho cuộc chào thăm là lãnh đạo của Tập đoàn Ngân hàng Mizuho (tập đoàn ngân hàng đứng thứ 10 trên thế giới). Ông Chủ tịch tập đoàn cho hay ông hiện đang được coi là người tuyên truyền số một cho thị trường làm ăn ở Việt Nam bởi hai vợ chồng ông nhiều lần đã sang Việt Nam.

Ông cũng bộc bạch một cách hể hả rằng, vợ ông còn mê Việt Nam hơn ông bởi những món ăn và đồ trang sức! Tiếp đó là lãnh đạo tập đoàn Nikkei. Nikkei, tập đoàn kinh tế đa năng trong đó có một tập đoàn báo chí con mà tờ thời báo Nipon nổi danh chỉ sau tờ Yomiurishimbun với non 10 triệu bản/ngày.

Nhân lúc ông chủ tịch đề cập đến việc kinh doanh tờ báo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thân mật rằng có những tờ báo hơi thổi phồng việc sử dụng vốn ODA ở Việt Nam. ODA là tiền thuế của người lao động Nhật Bản đóng góp và tiền thuế của nhiều tập đoàn như Nikkei đóng góp, thế hệ con cháu chúng tôi phải trả nợ trong nhiều năm. Vậy nên Việt Nam rất ý thức và trách nhiệm khi sử dụng nguồn vốn ấy. Những đồng tiền ODA đang được đặt vào bàn tay tin cậy của Việt Nam. 

Ba mươi phút sau là bộ sậu lãnh đạo của Tập đoàn Misubishi hùng mạnh đang triển khai 5 phương án làm ăn ở Thanh Hóa, Bình Dương, Hà Nội, Long An...  xây dựng nhà máy ximăng, sản xuất lốp, xây dựng và kinh doanh siêu thị đạt mức hàng trăm triệu USD.

Hai mươi lăm phút sau là lãnh đạo tập đoàn Sojitz đã có nhiều năm làm ăn ở Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Cuộc hội kiến diễn ra nhanh gọn khi bộ sậu của Sojitz chưa rời khỏi phòng tiếp khách của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thì lãnh đạo tập đoàn Marubeni đã lấp ló ở cửa phòng chờ. Bốn dự án của Marubenni đang đứng chân vững ở Thành phố Hồ Chí Minh là mỳ ăn liền chất lượng cao và đồ gia dụng nhựa.

Cuộc hội kiến diễn ra cũng chóng vánh như đoàn khách trước để nhường thời gian cho lãnh đạo Tập đoàn Nomura. Nomura đang chắc chân  với số vốn gần 200 triệu USD với 4 dự án ở Hà Nội và Hải Phòng. Tiếp ngay là lãnh đạo tập đoàn Sumitomo. Tập đoàn Sumitomo kinh doanh đa năng trên toàn cầu đã có thâm niên làm ăn với Việt Nam từ năm 1992.

Tính đến thời điểm này, Sumitomo đã có 23 dự án đã và đang triển khai ở Việt Nam các dự án lớn như lắp ráp ô tô, xây dựng hạ tầng KCN, sản phẩm mạch dẻo dùng cho CNTT với dự án cỡ vài chục triệu USD đến nhỏ như chế biến các sản phẩm tôn mạ kẽm vài triệu USD. Dự án lớn nhất của hãng này là việc xây dựng nhà máy điện ở Bà Rịa Vũng Tàu với tổng mức dự án trên 300 triệu USD!

Tôi có cảm giác các đại gia CNTT và những tập đoàn kinh tế hàng đầu của nước Nhật, trong câu chuyện với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mặc thời gian thăm chào hạn hẹp nhưng họ để ngỏ mong muốn được tham dự những cuộc làm ăn lớn với Việt Nam!

Những cuộc ấy là gì? Là khu công nghệ cao Hoà Lạc đang được ráo riết khởi động. Là tuyến xe điện ngầm ở thành phố HCM lẫn Hà Nội. Là dự án đường cao tốc Bắc Nam. Là tuyến xe lửa hiện đại xuyên Việt. Những đồng vốn lớn dạng ấy của ODA có lẽ mới là cú hích để các dự án quốc kế dân sinh tầm chiến lược ấy mau chóng trở thành hiện thực?

Lần đầu tiên một Thủ tướng Việt Nam phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản

Chúng tôi là hai lãnh đạo trẻ của hai quốc gia...

Ấy là lời bộc bạch của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe trong buổi họp báo sau Lễ ký tuyên bố chung Nhật- Việt . Chúng tôi cùng có trách nhiệm, nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, là làm hết sức mình để đưa quan hệ của hai quốc gia lên tầm đối tác chiến lược vì lợi ích hoà bình và hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thông tin trước đông đảo các nhà báo rằng, ngoài những vấn đề đạt được trong Tuyên bố chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề nghị  và được TT Shinzo Abe  ghi nhận về việc hai bên xúc tiến thành lập một Ủy ban liên chính phủ cấp Bộ để tăng cường hiệu quả quan hệ hợp tác kinh tế... Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì và tăng thêm ODA cho Việt Nam để xây dựng kết cấu hạ tầng như xây dựng đường sắt đường bộ đường cao tốc xây dựng khu công nghệ cao Hoà Lạc

Các phóng viên nước ngoài và Nhật được phép đến Quốc hội Nhật sớm ít phút để chuẩn bị cho việc chứng kiến sự kiện 14 giờ 50 phút, giờ Nhật Bản, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng có bài phát biểu trước Hạ Viện, Thượng Viện của  Quốc Hội.

Khi chúng tôi tới, trên bao lơn tầng hai đã kín chỗ. Quốc hội Nhật giành riêng những chỗ ấy để cử tri Nhật Bản đủ mọi tầng lớp quan tâm đến vấn đề của QH. Tất nhiên QH có thông báo trước nhiều ngày sự kiện Thủ tướng Việt Nam đầu tiên phát biểu trước QH một nước phát triển...

Các nghị sĩ Nhật ngồi kín suốt 12 dãy ghế hình vòng cung ôm lấy bục diễn đàn đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay chào mừng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng phu nhân và Đoàn Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bộ đồ màu sáng cà vạt màu ấm cùng phu nhân Trần Thanh Kiệm tuơi tắn trong bộ áo dài dân tộc hơi ngả sắc hoa anh đào quốc hoa của Nhật Bản được Bà chủ tịch Thượng Viện Chicaghê Ôghi mời vào ngồi ở vị trí ghế danh dự giữa Chủ tịch Hạ Viện và Thượng Viện.

Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “…Nhân đây tôi muốn khẳng định với quý vị rằng, Việt Nam là nước sử dụng có hiệu quả nhất nguồn vốn ODA. Vừa qua có xảy ra vụ tiêu cực tại một Ban Quản lý Dự án thuộc Bộ Giao thông vận tải Việt Nam. Ban QL này quản lý nhiều dự án trong đó có một số dự án sử dụng ODA của Nhật Bản. Vụ việc này đang được các cơ quan chức năng Việt Nam điều tra để xử lý minh bạch công khai.

Song điều có thể khẳng định việc này hoàn toàn không liên quan tới chất lượng các công trình được xây dựng với sự giúp đỡ của quý quốc vì các công trình này đều được các cơ quan có trách nhiệm của hai bên thẩm định và phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu tư vấn và nhà thầu thi công, giám sát quá trình thi công, nghiệm thu giải ngân... theo đúng cam kết của hai bên và đã đạt yêu cầu chất lượng của dự án mà hai bên đã phê duyệt. Như vậy, không có vấn đề gì về sử dụng ODA.

Có thể nói, những con đường, những chiếc cầu, những bến cảng biển và hàng không, những ngôi trường, những bệnh viện, nhà máy có chất lượng cao được xây dựng với sự trợ giúp của Nhật Bản đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ về sự hợp tác giữa hai nước. Quý vị có thể tin tưởng rằng sự tài trợ của Nhật Bản giành cho Việt Nam được đặt vào những bàn tay tin cậy”.

Hai mươi phút tiếp kiến Nhật hoàng và Hoàng hậu

Trong chằng chịt những Building, có một vuông xanh bình yên của hồ nước với rừng cây rộng khoảng 5 cây số vuông. Đó là nơi ở của Hoàng gia Nhật Bản. Hơn 6 trăm năm trước nước Nhật có một làng chài bé nhỏ tên gọi là Edo. Sau này Edo dần dà phát triển với những dãy nhà gạch, người ta kêu bằng Hạ Phố (Shutamachi). Rồi từ những năm sáu mươi của thế kỷ 17, Edo trở thành một trung tâm kinh tế sầm uất của cả nước Nhật.

Cuối thế kỷ XIX, Hoàng đế Minh Trị lật đổ tướng quân cuối cùng của thể chế tướng lĩnh trả lại quyền lực cho Hoàng gia. Nhà vua kế tiếp mới khuyến khích các thể chế và phương pháp làm kinh tế theo kiểu phương Tây.

Đến thời Minh Trị Duy Tân, tháng 6-1868, Edo được đổi thành Tokyo nghĩa là kinh đô ở phía đông để đối lại Kyoto là kinh đô ở phía Tây. Mùa xuân năm 1869, Nhật Hoàng rời cố đô Kyoto về Tokyo. Từ đó Thủ đô Nhật Bản chính là Tokyo...

Bao năm rồi khoảng xanh yên bình ấy như là khu đệm giữa quá khứ với hiện tại hiện đại! Là người đứng đầu Nhà nước, tuy Nhật Hoàng không có quyền hành pháp na ná như Hoàng gia Anh vậy nhưng lại có rất nhiều quyền lực hữu hình lẫn vô hình.

Ngày sinh Nhật Hoàng được dùng làm ngày Quốc khánh Nhật Bản. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Đoàn đại biểu Việt Nam là khách nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe, bây giờ cũng lại là khách nguyên thủ nước ngoài đầu tiên của Hoàng gia sau sự kiện toàn nước Nhật ăn mừng Tân Hoàng Nam vừa đầy tháng.

Tân Hoàng Nam chính là người kế vị sau 40 năm của hoàng gia.Tân Hoàng Nam lại cũng vừa được đặt tên. Ngày đặt tên được loan báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng lại cũng là ngày hội của thần dân Nhật. Cái tên Hisahito của Tân Hoàng Nam được cấu thành bởi hai từ Hán. Đó là chữ Du và chữ Nhân (Nhân là nhân đứng- gồm bộ nhân và chữ nhị-  nghĩa là đức độ khiêm cung chứ không phải nhân là người chung chung)

Chữ Du, có thể được hiểu là mênh mang êm đềm!  Trong cuộc tiếp kiến ngắn ngủi, tôi thấy nụ cười của Nhà vua cùng Hoàng hậu dường như mãn nguyện, tươi tắn hơn bởi những lời chúc phúc ân cần chu đáo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân Trần Thanh Kiệm.

Thủ tướng ta đã chân thành bộc bạch trước nhà vua: “Hôm nay tôi có dịp trao đổi ý kiến với Ngài Thủ tướng để thống nhất phương hướng và biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước. Chúng tôi mong được Nhà Vua với tầm nhìn cao trông rộng gợi ý những tư tưởng chỉ đạo về quan hệ hai nước để hai chính phủ cùng thực hiện”.

Xuân Ba
Từ Tokyo

MỚI - NÓNG