Bữa bê thui đãi đoàn Mỹ giữa rừng Việt Bắc

0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội biệt kích Con Nai ảnh tư liệu
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đội biệt kích Con Nai ảnh tư liệu
TP - Thi thoảng ông cứ tha lôi tôi đi theo kiểu ngẫu hứng như thế. Ông Tạ Đình Đề ấy mà…

Những năm xa ấy, cứ cữ tháng tám là ông lại dẫn tôi đến vài nơi. Như có cơn cớ xúc tác gì đó khiến sải chân cà nhắc của ông guồng trên cái xe đạp cà tàng khi dùng dắng khi vội vã? Hầu hết là những người, những cơ sở ông quen từ trước năm 1945. Như chỗ ngoặt này phố Đội Cấn.

Bà Chi đâu rồi… Chất giọng trầm khàn của ông Đề vống lên trước cánh cửa mở hé của một nhà. Một cụ bà tóc trắng cước, ăn vận gọn ghẽ. Cái cười như sáng bừng khuôn mặt chắc thuở trước có nhiều nét ưa nhìn. Ngồi chưa kịp nước nôi, đoán cái nhìn dò hỏi của chủ nhân, ông Đề giọng thẳng băng như mọi bận. Chị kể cho ông bạn trẻ này cái bữa bê thui cái năm tít xa đi?

Lúc mới quen là ông bạn trẻ sau là thằng này… Tôi thường được giới thiệu với các bạn cao niên của ông như thế.

Ông Đề với bà chủ đang chuyện về những ngày xa ở chiến khu Việt Bắc. Hóa ra Chi là tên của bà thời hoạt động. Tên bà nghe sang trọng như dáng dấp, Trần Thị Minh Châu!

Có lúc tôi ngồi lặng phắc. Để thêm thời gian mà chiêm ngắm hai vị tiền bối của một quá vãng hào hùng.

Là cả một câu chuyện dài thu hút người nghe của vị nữ chủ nhân - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, Cục trưởng Cục Xuất bản Bộ Văn hóa…

Mới 16 tuổi, Trần Thị Nguyệt Lãng (tên khai sinh của bà Trần Thị Minh Châu) đã rời Hải Dương lên Hà Nội hoạt động trong phong trào Thanh niên Dân chủ của Mặt trận Bình dân. Từ tháng 4/1940 cô đã được đồng chí Hoàng Văn Thụ chính thức kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Ở tuổi 20, cô đã lần lượt làm Bí thư Tỉnh ủy của các tỉnh: Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn (9/1940) cách mạng tổn thất nặng nề. Đảng quyết định duy trì Đội du kích Bắc Sơn và thành lập căn cứ địa lấy Bắc Sơn - Võ Nhai làm trung tâm, đồng thời thành lập lực lượng vũ trang lấy tên gọi mới là Cứu Quốc quân.

Một trung đội Cứu Quốc quân do đồng chí Trần Thị Minh Châu lúc đó mang bí danh là Vũ - Xứ ủy viên, Bí thư Ban cán sự (Bí thư Tỉnh ủy) tỉnh Hưng Yên - làm Chính trị viên. Khi đó bà mới 22 tuổi. Rồi phong trào Việt Minh phát triển rộng khắp. Tháng 10/1944, Pháp mở cuộc tấn công khốc liệt vào Võ Nhai - Đình Cả.

Pháp tăng cường đàn áp. Lại có sự góp sức của Cung Đình Vận - Tuần phủ Thái Nguyên - khét tiếng!

Nhưng với sự chỉ huy mưu trí sáng tạo lại được đồng bào các dân tộc Võ Nhai hết lòng che chở nhiều cuộc chiến đấu ác liệt đã diễn ra. Ác liệt, dai dẳng nhưng lực lượng Cứu Quốc quân vẫn gây cho địch nhiều tổn thất và thoát khỏi vòng vây. Chính Cung Đình Vận đã tức tối hùng hổ tuyên bố phải bắt bằng được "con nữ tướng Võ Nhai" Trần Thị Minh Châu.

Sau chiến thắng Mỏ Gà ở Võ Nhai, Trần Thị Minh Châu (lúc này lấy bí danh là Chi) đã được điều động về làm thư ký rồi Chánh văn phòng cho Ủy ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đóng tại Tân Trào.

Và hấp dẫn không kém là chuyện của người đang tiếp chuyện bà Châu đây, ông Tạ Đình Đề. Gia đình nghèo, 16 tuổi Tạ Đình Đề đã lang bạt sang làm công nhân Sở Hỏa xa Vân Nam ở Côn Minh (Trung Quốc). Trong những ngày đó, anh tham gia Hội Ái hữu Cứu quốc sau đổi thành Việt Nam Giải phóng cứu quốc do Mặt trận Việt Minh tổ chức.

Năm 1941, anh được tổ chức cử đi học ở Liễu Châu, một phân hiệu chuyên ngành của Trường Quân sự Hoàng Phố. Phân hiệu Liễu Châu là nơi chuyên đào tạo những nhân viên hoạt động trong lòng địch thường gọi là trường đào tạo gián điệp.

Học viên học ở Liễu Châu bao gồm các khoa mục: sử dụng các loại vũ khí, chất nổ, lái các loại xe kể cả xe tăng, máy bay..., sử dụng các phương tiện thông tin, điện đài, phi ngựa, bắn súng, luyện khí công, luyện võ...

Tốt nghiệp xuất sắc Trường Quân sự Hoàng Phố, Tạ Đình Đề tham gia các hoạt động vũ trang và được tổ chức phân công hoạt động tình báo ở Sài Gòn và miền Trung cùng phái bộ Mỹ trong phe Đồng minh chống phát xít Nhật trước khi lên Việt Bắc.

Sau ngày Toàn quốc kháng chiến Tạ Đình Đề phụ trách Đội Biệt động Liên khu 3, địa bàn chủ yếu hoạt động ở nội thành Hà Nội. Biệt động đội dưới quyền chỉ huy của tướng Hoàng Sâm người cùng học Trường Quân sự Hoàng Phố với Tạ Đình Đề.

Xin phép bạn đọc gián đoạn câu chuyện của ông Tạ Đình Đề và bà Châu để trở lại sự kiện mà nhiều người đã tường. Đó là sự kiện nhẩy dù xuống Hòa An Cao Bằng của viên trung úy phi công Mỹ William Shaw cuối năm 1944 trong một chuyến bay oanh tạc căn cứ quân Nhật ở Bắc Việt Nam. William Shaw bị du kích ta bắt dẫn về căn cứ Việt Bắc và được gặp Bác.

Tầm nhìn xa trông rộng của Bác thời điểm ấy đã thấy nhân dân hai nuớc Việt - Mỹ đều có mẫu số chung là hòa bình độc lập, đều có kẻ thù chung là phát xít Đức, phát xít Nhật. Với khả năng phân tích tình hình bén nhạy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nắm bắt thời cơ thuận lợi để có thể tranh thủ được Mỹ, tìm thêm được bạn đồng minh nhằm tập trung vào kẻ thù chính của cách mạng lúc này là phát xít Nhật và thực dân Pháp!

Nên Bác quyết định đi Côn Minh, mang theo William Shaw. Shaw được trao trả cho tướng Claire Chennault, Tư lệnh không đoàn 14 của Quân đội Mỹ làm nhiệm vụ đánh quân Nhật có căn cứ quân sự ở Côn Minh - Quế Lâm, Trung Quốc. Tướng Chennault rất cảm ơn ông Hồ về việc người phi công được cứu thoát.

Tư lệnh không đoàn 14 của Quân đội Mỹ tặng Bác 6 khẩu súng lục 2 vạn viên đạn và tiền. Nhưng Bác chỉ nhận súng và đạn... Mối quan hệ giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh với lực lượng đồng minh chống phát xít được thiết lập.

Bữa bê thui đãi đoàn Mỹ giữa rừng Việt Bắc ảnh 1

Ông bà Đào Duy Kỳ và Trần Thị Minh Châu ảnh tư liệu gia đình

Sau chuyến đi ấy, thiếu tá A. Patti phụ trách cơ quan OSS (Office Strategic Service - Cơ quan phục vụ chiến lược) của quân đoàn 14 và thiếu tá Thomas đã theo Bác về Cao Bằng. Rồi như chính sử đã từng ghi. Một đơn vị biệt kích có tên là Con Nai cũng được thành lập, tiền thân của bộ đội Việt -Mỹ tiến đánh Thái Nguyên sau này!

Thời điểm đó ở chiến khu Việt Bắc tình báo viên kiêm gián điệp Tạ Đình Đề tất nhiên được tin cẩn phân công nhiều việc bên cạnh đơn vị biệt kích Con Nai.

Bây giờ xin mời bạn đọc trở lại thời điểm Bác Hồ cho gọi cô Chánh văn phòng Khu Giải phóng Việt Bắc Trần Thị Minh Châu lên có việc.

Một việc trọng. Việc ấy là để chào mừng phái đoàn Mỹ, Khu giải phóng tổ chức một tiệc mừng, cô - Bác Hồ chỉ sang - phải lo việc này!

Tiệc mừng giữa rừng xanh núi đỏ? Khu giải phóng hầu hết phải ở tạm nhà dân, đời sống hết sức gieo neo. Khi ấy nể và cả sợ Bác nữa nên cô cứ gật bừa! Cả đêm không ngủ cô Chánh văn phòng sáng sau đánh liều lên gặp Bác.

Vẫn câu chuyện của bà Châu. Trước nỗi lo rối bời đến phát khóc của tôi, Bác chỉ cười vui. Rồi Bác ôn tồn bày cho tôi là cứ thế… cứ thế…

Cứ thế là việc hỏi xin đồng bào một con bê. Theo cách hướng dẫn của Bác, chúng tôi mổ bê ra. Lấy mấy loại lá thơm mà rừng Việt Bắc rất sẵn nhồi vào bụng khâu lại. Rồi chọn loại củi cháy đượm than, treo bê lên mấy chạc tre tươi cứ thế từ từ quạt. Quạt đến khi lấy que tre tươi chọc vào thân bê thấy tiết ra chất nước có một chút hồng là được.

Một nửa con bê được xả ra bày trên lá chuối tươi. Tất cả được đặt trên chõng tre. Nửa bê còn lại cứ treo trên chạc tre tươi. Ai thích thì xẻo!

Thời này thì thức chấm là tương gừng. Nhưng khi ấy bói ra đâu tương! Chúng tôi thay bằng muối gừng và ớt chỉ thiên nướng giã nhỏ. Bên cạnh những khay lá chuối xanh là những que tre vát ngọn để xiên thịt.

Các thức bày ra. Tiệc đã sẵn sàng. Cụ Hồ tươi cười khoát tay mời các ông Mỹ. Một điều bất ngờ là vào tiệc, người Mỹ ai cũng có dao nĩa thủ theo chắc để quen với việc sinh hoạt ở chiến khu.

Đã bao năm qua đi mà thú thực tôi vẫn không quên được ánh mắt mừng vui thích thú của các thực khách Hoa Kỳ khi chứng kiến. Dưới bóng mát của mấy tán cây bên nhà sàn ven con suối trong vắt là không khí vui nhộn và những cự ly thân tình trong bữa tiệc bê thui…

Ông Cụ bao giờ cũng độc đáo… Ông Tạ Đình Đề thở dài, chen vào. Bà Châu chất giọng trầm nhẹ độc đáo và chu đáo nữa anh Đề ạ…

Chu đáo như trong chuyện kể của bà cuối buổi. Có chiếc áo bluzong các bạn Mỹ tặng Bác. Thứ đó rất quý ở chiến khu nhất là mùa lạnh. Nhưng Bác đã đem cho tôi. Bác cười, để cô chú mặc chung. Nghe vậy tôi đã bật khóc. Khi đó nhà tôi đang tù ở tận Côn Đảo (mãi hôm ấy tôi mới biết bà Châu là vợ ông Đào Duy Kỳ, em ruột nhà văn hóa Đào Duy Anh).

Lại có cái dù mà đoàn OSS tặng Bác. Bác bảo tôi cắt ra làm rất nhiều tấm để tặng bà con dân tộc trong chiến khu. Ai cũng hoan hỉ!

… Có một cuộc đi cuối chiều ngày thu năm 1993 ấy. Ông Tạ Đình Đề đã đưa tôi đến thăm gặp cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ - vợ nhà tư sản Trịnh Văn Bô. Sau mới biết vợ ông Tạ Đình Đề là con gái nhà tư sản Nghĩa Tường, nhà ấy vốn là chỗ thân quen với gia đình Trịnh Văn Bô. Lần đầu gặp và cũng được nghe chuyện bà Bô đã sắm sanh bữa cơm để Cụ Hồ đãi ngài thiếu tá A. Patti (đã nói ở trên) mới ở Việt Bắc về. Việc này A. Patti đã tường tận trong cuốn hồi ký nổi tiếng Why Vietnam? (Tại sao Việt Nam?). Trong bữa tiệc ấy có chi tiết cụ Hồ Chí Minh đưa cho vị thiếu tá Hoa Kỳ ấy coi trước bản thảo Tuyên ngôn độc lập mà mấy hôm nữa Cụ mới tuyên bố trước quốc dân đồng bào ngày 2/9/1945.

Đã những thăm thẳm bóng người ở hai tiệc mừng người Mỹ.

MỚI - NÓNG