Bữa ăn với trứng cá hồi và rượu vang của lính tàu ngầm Kilo Nga

Sĩ quan theo dõi mục tiêu qua kính tiềm vọng. Ảnh: Andrei Stanavov.
Sĩ quan theo dõi mục tiêu qua kính tiềm vọng. Ảnh: Andrei Stanavov.
Binh sĩ trên tàu ngầm Novorossiysk có khẩu phần ăn đặc biệt mỗi ngày, nhưng không được hưởng tiện nghi như tàu ngầm hạt nhân.

Nhân ngày truyền thống của lính tàu ngầm Nga 19/3, phóng viên Andrei Stanavov của Sputnik được phép lên thăm Novorossiysk, tàu ngầm Đề án 636.3 đầu tiên trong biên chế hải quân Nga và chứng kiến cuộc sống của các thủy thủ bên trong tàu ngầm này.

Tàu ngầm tấn công Đề án 636.3 Varshavyanka là phiên bản nâng cấp sâu của lớp Kilo cải tiến, được phát triển riêng cho hải quân Nga. Tàu được hải quân Mỹ mệnh danh là "hố đen đại dương" nhờ khả năng ẩn mình tuyệt vời trước các hệ thống trinh sát chống ngầm của NATO.

Novorossiysk là chiếc đầu tiên được bàn giao, bắt đầu hoạt động tuần tra chiến đấu từ ngày 22/8/2014. Hạm đội Biển Đen đang vận hành 6 chiếc Đề án 636.3, trong khi 6 tàu ngầm khác đang được đặt hàng cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Để vào trong tàu, thủy thủ phải trèo xuống một đường ống hẹp từ tháp chỉ huy. Phóng viên Stanavov thừa nhận việc này không hề dễ dàng với những người chưa trải qua huấn luyện.

"Bạn rất khó chui xuống với bộ quần áo mùa đông và túi máy ảnh, nguy cơ bị kẹt một cách xấu hổ giữa chừng luôn thường trực. Để tránh điều này, kíp tàu ngầm khuyên mọi người giữ đồ đạc trên đầu trước khi vào tàu", Stanavov nhớ lại.

Bữa ăn với trứng cá hồi và rượu vang của lính tàu ngầm Kilo Nga ảnh 1

Bàn điều khiển tổ hợp vũ khí trên tàu Novorossiysk. Ảnh: Andrei Stanavov.

Stanavov mất khoảng hai phút để vào được trong tàu, trong khi các thủy thủ tàu ngầm được huấn luyện để chui qua ống trong 20 giây. Thuyền trưởng luôn là người xuống cuối cùng và đóng cửa chịu lực. "Không thể chậm trễ trong tình huống lặn khẩn cấp. Chỉ sau 20 giây, phần tháp chỉ huy sẽ chìm hẳn dưới mặt nước", một sĩ quan tàu ngầm tiết lộ.

Thang từ tháp chỉ huy sẽ dẫn thẳng xuống khoang điều khiển tàu ngầm. Đây được coi là bộ não của Novorossiysk, nơi đặt mọi hệ thống chính như tổ hợp định vị thủy âm (sonar), định vị, thiết bị điều khiển vô tuyến điện tử và trung tâm chỉ huy.

Cụm kính tiềm vọng quang học nằm ở giữa khoang điều khiển, gần đó là khu vực vận hành vũ khí. Tàu ngầm lớp Kilo cải tiến được trang bị hàng loạt khí tài mạnh như thủy lôi, ngư lôi cỡ 533 mm và tổ hợp tên lửa hành trình đa năng Kalibr-PL. Tất cả vũ khí này đều được khai hỏa thông qua 6 ống phóng ngư lôi phía mũi.

Rostov-on-Don, chiếc tiếp sau Novorossiysk, từng thể hiện uy lực bằng việc tấn công phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria bằng tên lửa Kalibr, đồng thời trở thành tàu ngầm Nga đầu tiên tấn công mục tiêu mặt đất trong thực chiến.

"Mỗi tàu đều có đặc tính riêng, không lẫn với nhau. Chúng tôi có 6 tàu ngầm, nhưng các chỉ huy luôn cảm nhận được sự khác biệt mỗi khi ra biển, dù chúng có chung thiết kế. Ngay cả việc cập cảng cũng là quy trình độc nhất đối với mỗi tàu ngầm", trung tá Konstantin Tabachny, chỉ huy tàu Novorossiysk, cho biết.

Bữa ăn với trứng cá hồi và rượu vang của lính tàu ngầm Kilo Nga ảnh 2

Mỗi lính tàu ngầm được trang bị túi đồ cứu hộ riêng. Ảnh: Andrei Stanavov.

Trong lòng tàu ngầm có hàng loạt tay vặn và van điều khiển với nhiều màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết chúng chỉ có tác dụng trong trường hợp khẩn cấp và hiếm khi được đụng tới. Hầu hết các hệ thống trên lớp Kilo cải tiến đều được vận hành từ phòng chỉ huy trung tâm hoặc hoàn toàn tự động.

"Khi bước vào khoang động cơ, mọi người đều cảm nhận được tiếng ồn điếc tai và mùi dầu diesel. Nói chuyện bình thường là việc bất khả thi, tất cả phải hét lên để người bên cạnh có thể nghe rõ. Đó không phải điều bất ngờ, khi trong khoang là hai máy phát diesel với tổng công suất 3.000 KW, cung cấp năng lượng cho động cơ đẩy 5.500 mã lực và mọi hệ thống điện trên tàu", Stanavov cho biết.

Phía sau khoang động cơ diesel là nơi đặt hệ thống điện, với đầy bảng điều khiển và công tắc. Động cơ diesel sẽ vận hành khi tàu nổi trên mặt nước để nạp điện vào hệ thống pin, chúng sẽ ngừng hoạt động khi Novorossiysk bắt đầu lặn xuống nước. Trong quá trình hoạt động dưới lòng biển, toàn bộ năng lượng sẽ được lấy từ pin điện, triệt tiêu tối đa độ ồn và giúp tàu ngầm dễ ẩn mình trước hệ thống thủy âm đối phương.

Trung tá Tabachny tự nhận là người ủng hộ nhiệt tình tàu ngầm diesel-điện, dù ông rất tôn trọng những chiếc tàu ngầm hạt nhân. Ông khẳng định Đề án 636.3 là thiết kế đầy thành công, được trang bị mọi vũ khí mà những tàu ngầm hạt nhân tấn công đa năng sở hữu.

"Tàu ngầm hạt nhân là khí tài của tương lai, nơi mọi thứ đều sạch sẽ, thủy thủ đoàn có thể đi lại và nói chuyện thoải mái. Chúng tôi không có tiện nghi đó, nhưng tôi tin rằng mọi lính tàu ngầm nên phục vụ trên một chiếc diesel-điện trước. Họ không thể coi mình là lính tàu ngầm thực sự cho tới khi cảm nhận được không gian chật hẹp và quen mùi dầu diesel", trung tá Tabachny tuyên bố.

Tàu ngầm diesel-điện như Novorossiysk có nhiều ưu thế so với những chiếc vận hành bằng năng lượng hạt nhân. Chúng có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng hoạt động ở các vùng biển nông, đủ sức bí mật áp sát bờ biển đối phương để phóng tên lửa hoặc triển khai lính đặc nhiệm, cũng như ẩn mình dưới đáy biển để rài thủy lôi. Lớp Kilo cải tiến có thể ẩn mình 5 ngày liền mà không cần nổi lên mặt nước, trong khi dự trữ hành trình đủ cho tàu hoạt động trong 45 ngày liên tục.

Thuyền trưởng Tabachny cho biết trong một nhiệm vụ tuần tra tại Địa Trung Hải, tàu khu trục Mỹ đã tìm kiếm Novorossiysk trong ba ngày mà không có kết quả, trước khi tàu ngầm Nga nổi lên gần đó.

"Có người cho rằng chúng tôi bị cấm nói to khi đang ẩn mình trước tàu chiến đối phương, nhưng điều đó không đúng. Vỏ cách âm dày khiến những hệ thống sonar tinh vi nhất cũng không thể phát hiện tiếng nói chuyện. Tuy nhiên, tiếng ồn từ nhiều hệ thống trên tàu có thể khiến chúng tôi bị lộ. Khi tác chiến, chỉ những thiết bị quan trọng nhất mới được sử dụng", trung tá Tabachny tiết lộ.

Khu vực sinh hoạt của kíp tàu ngầm rất nhỏ gọn, phòng họp chung chỉ rộng bằng nội thất một xe SUV. Đây là nơi tổ chức các cuộc họp cũng như ăn uống cho sĩ quan và thủy thủ. Một bên tường được gắn hình pháo đài Peter và Paul ở thành phố St. Petersburg kèm chữ ký Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu. Góc khác là tấm bảng ghi tên kíp vận hành đầu tiên của Novorossiysk, cùng cờ hải quân Nga được gấp gọn và biểu tượng Chính thống giáo.

Phòng ngủ tương đối giống khoang khách trên tàu hỏa, nhưng ngắn và hẹp hơn nhiều. Đây là nơi thủy thủ nghỉ ngơi và giải trí, nhằm tránh gây ảnh hưởng tới những người đang trong ca trực.

Trên tàu ngầm, mọi người đều hiểu rõ trách nhiệm của mình. Sự phục tùng chỉ huy tuyệt đối, tôn trọng lẫn nhau và sẵn sàng giúp đỡ đồng đội là ba trụ cột duy trì tinh thần, cũng như khả năng chiến đấu của thủy thủ đoàn trong thời gian dài lặn dưới lòng biển. Những người không hiểu được điều này khó lòng làm việc lâu dài trên tàu ngầm.

"Mọi thủy thủ đều biết tôi là chỉ huy và quyết định của tôi là miễn bàn cãi. Họ thậm chí không nên thắc mắc về mệnh lệnh, dân chủ không có chỗ trên tàu ngầm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ được quan hệ thân thiết, mọi thứ đều được chia sẻ như một gia đình lớn", hạm trưởng Tabachny nói.

Hạ sĩ Nikolai Sonin tới tàu ngầm Novorossiysk sau khi phục vụ trong hải quân đánh bộ và chưa bao giờ hối tiếc vì quyết định của mình. "Tôi chịu trách nhiệm vận hành ngư lôi. Trên tàu có nhiều việc, nhưng ít phải huấn luyện thể lực hơn trước kia. Tôi thậm chí không để ý tới không gian chật hẹp, đơn giản là vì không có thời gian", Sonin tiết lộ.

Novorossiysk được biên chế hai đầu bếp. Đồ ăn trên tàu được đánh giá là khá đặc biệt, khẩu phần hàng ngày cho các thủy thủ bao gồm cả trứng cá hồi và 50 g rượu vang.

Trung tá Tabachny thừa nhận ông không phải người quá mê tín, nhưng luôn mang theo một chiếc áo len cũ mỗi khi ra biển. Thuyền trưởng của Novorossiysk cũng không muốn khởi hành vào các ngày thứ hai, bởi tâm lý thủy thủ đoàn thường kém tập trung sau cuối tuần nghỉ ngơi.

"Novorossiysk sẽ sớm rời cảng và lặng lẽ thực hiện nhiệm vụ mới. Bất chấp điều kiện làm việc khó khăn, lính tàu ngầm là những người vui vẻ và yêu công việc. Không nên coi thường những nụ cười và trò đùa trên khuôn mặt kíp vận hành. Bất kỳ thủy thủ giàu kinh nghiệm nào cũng biết sự hài hước có vai trò quan trọng không kém gì dưỡng khí, lính tàu ngầm không thể sống thiếu chúng", trung tá Tabachny cho biết.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG