Bù lỗ dầu hoả - nên hay không?

Bù lỗ dầu hoả - nên hay không?
Tổng Giám đốc Petrolimex vừa cảnh báo về hiện tượng gian lận thương mại qua giá xăng dầu, đặc biệt là từ khi có sự chênh lệch giá giữa dầu hoả với dầu diesel và xăng.
Bù lỗ dầu hoả - nên hay không? ảnh 1

Mới đây, Tổng giám đốc Tổng Cty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã có công văn số 0708/XD-KD gửi các bộ Tài chính và Thương mại đề nghị có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Lượng dầu hoả bán ra tăng bất thường

Theo số liệu của Petrolimex, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chủ đạo chiếm 60% thị trường cả nước, 5 tháng đầu năm nay, lượng dầu hoả bán ra của Tổng Cty này nói riêng và các đầu mối nhập khẩu xăng dầu nói chung đều tăng mạnh, có thể nói là bất thường so với tiến độ nhập khẩu, khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị phá vỡ kế hoạch kinh doanh dự kiến từ đầu năm.

Đặc biệt, từ tháng Tư trở đi, thời điểm thị trường áp dụng giá bán lẻ dầu hoả (theo quy định) thấp hơn nhiều so với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu khác thì lượng dầu hoả tiêu thụ càng mạnh.

Nếu như cả năm 2004, Petrolimex dự trù tiêu thụ khoảng 180.000 m3 dầu hoả, nhưng thực tế chỉ bán được chưa tới 83.500 m3, thì chỉ riêng quý I năm nay, sản lượng dầu hoả bán ra đã đạt 58.223 m3. Tháng Tư và tháng Năm, mỗi tháng bán ra xấp xỉ 25.000 m3, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước và 35% so với quý I.

Hiện tượng gia tăng nhu cầu tiêu dùng dầu hoả nêu trên là bất thường, bởi theo ông Đức, nhu cầu dầu hoả hiện nay chủ yếu được sử dụng cho thắp sáng của nhân dân những vùng chưa có điện (hiện tỷ lệ dân chưa có điện còn rất thấp); sử dụng để đun nấu (của những người buôn bán nhỏ, học sinh, sinh viên) và tiêu dùng cho một số ngành sản xuất nhỏ.

Thực tế cho thấy, nhu cầu dầu hoả tiêu dùng nội địa đang giảm dần qua các năm (từ 485.000 m3 năm 2002 xuống còn khoảng 390.000 m3 năm 2004 và dự kiến năm nay khoảng 350.000 m3).

Do điện lưới quốc gia từng bước được phủ kín đến các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa cộng với thói quen dùng gas để đun nấu thay cho nhiên liệu truyền thống là dầu hoả mà những năm qua, dầu hoả đã "vắng bóng" ở thành thị, chỉ còn len lỏi ở miền núi.

Tính ra, lượng dầu hoả cung cấp cho miền núi trong năm nay chỉ ở mức khoảng 35.000 m3, chiếm 10% tổng lượng dầu hoả tiêu dùng cả nước; 90% còn lại được sử dụng cho sản xuất và các nhu cầu tiêu dùng khác.

Bất cập trong cơ chế giá

Nhìn vào cơ cấu dầu hoả trong tổng nhu cầu xăng dầu cả nước thì dầu hoả chỉ còn chiếm chưa đến 3% (350.000 m3/12.500.000 m3 xăng dầu các loại).

Tuy nhiên, đây là mặt hàng thuộc diện chính sách xã hội, nên được Nhà nước quy định giá bán định hướng thấp hơn so với các mặt hàng diesel và xăng ôtô.

Cụ thể, giá định hướng xăng dầu bán lẻ áp dụng từ 29/3/2005 như sau: dầu hoả 4.900 đồng/lít; dầu diesel 5.500 đồng/lít; xăng M83: 7.600 đồng/lít; xăng M90: 7.800 đồng/lít; xăng M92: 8.000 đồng/lít. Như vậy, giá bán dầu hoả thấp hơn diesel 600 đồng/lít; xăng (các loại) từ 2.700 - 3.100 đồng/lít.

Điều đáng nói là số lượng dầu hoả bán cho khu vực miền núi (nghĩa là đúng đối tượng "chính sách xã hội") tăng không nhiều. 5 tháng đầu năm tiêu thụ đạt khoảng 6.400 m3 (bình quân khoảng 1.280 m3/tháng). Lượng dầu hoả gia tăng còn lại Nhà nước đang phải "gồng mình" bù lỗ cho cả những đối tượng không thuộc diện "chính sách".

Nhận định về nguyên nhân tăng đột biến nhu cầu dầu hoả, ông Trần Văn Đức cho rằng, do chênh lệch giá cao giữa dầu hoả và diesel nên có xu hướng nhiều cơ sở sản xuất đã thay thế nhiên liệu diesel bằng dầu hoả hoặc bằng cách pha trộn 2 loại dầu này để giảm chi phí và giá thành.

Tuy nhiên, nguyên nhân làm lượng dầu hoả tăng đột biến là vì động cơ lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tư nhân đã không ngần ngại pha trộn dầu hoả vào diesel với tỷ lệ cao, rồi bán cho người sử dụng với giá diesel. Đây là hành vi gian lận thương mại, lợi dụng "khe hở" chính sách để "đục nước béo cò".

Trên thực tế, bằng mắt thường người sử dụng rất khó phát hiện sản phẩm diesel đã bị pha dầu hoả, pha với tỷ lệ bao nhiêu, chỉ biết rằng động cơ sử dụng nhiên liệu bị pha trộn sẽ giảm tuổi thọ, gây thiệt hại cho người sử dụng.

Đó là chưa kể, nếu dầu hoả bị pha vào xăng để bán với giá 7.800 - 8.000 đồng/lít xăng như hiện nay, lợi nhuận thu về của các đối tượng "treo đầu dê, bán thịt chó" là không hề nhỏ.

Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng đối với xăng dầu lại chỉ được làm định kỳ, hoặc khi phát hiện có dấu hiệu gian lận thương mại. Người tiêu dùng "chờ được vạ thì... má đã sưng".

Nên chăng bỏ bù lỗ?

Trong cơ chế giá bán xăng dầu hiện nay, trừ mặt hàng xăng, các mặt hàng còn lại Nhà nước đều phải bù lỗ. Thông thường giá nhập khẩu dầu hoả và diesel ngang nhau, nhưng tại thời điểm này các đầu mối nhập khẩu đang phải nhập dầu hoả với giá 62,7 USD/thùng, diezel 60,17 USD/thùng, tức là "đầu vào" dầu hoả cao hơn diesel.

Nhưng giá bán dầu hoả quy định chỉ có 4.900 đồng/lít, trong khi giá bán diesel là 5.500 đồng/lít. Nếu bán đúng giá thì cả dầu hoả và diesel đều phải là 6.800 đồng/lít.

Phần chênh lệch giữa giá nhập khẩu và giá bán (kể cả chi phí vận chuyển), trung bình Nhà nước phải bù lỗ cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là 2.300 đồng/lít đối với dầu hoả và 1.750 đồng/lít với diesel.

Theo Petrolimex, riêng mặt hàng dầu hoả trong quý I, Tổng Cty đã lỗ tới 55 tỷ đồng, tháng 4 lỗ "đậm" hơn: 76 tỷ và tháng 5 lỗ khoảng 50 tỷ đồng.

Điều này đặt ra vấn đề cần phải xem lại cơ chế giá. Trong khi Nhà nước cứ liên tục bù lỗ, "rót" vào cả những đối tượng không thuộc diện chính sách, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không "nhìn" thấy lợi nhuận vì chủ yếu bán theo giá định hướng, lỗ đâu được Nhà nước bù, chẳng khác nào doanh nghiệp công ích, thì một bộ phận "đầu cơ" vẫn đang "sống khoẻ"?

Cơ chế bù lỗ qua giá nếu kéo dài sẽ trở thành lực cản, tạo nên sức ì, không khuyến khích doanh nghiệp tích luỹ đầu tư tái sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đứng về phía nhà sản xuất, ông Đức tỏ ra băn khoăn vì hệ quả của chính sách giá khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát đã đành, đối với chính doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng sẽ không khỏi ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu đã được tạo dựng bao năm nay.

Để giải quyết nhu cầu dầu hoả thiết yếu chỉ chiếm 9 - 10% tổng nhu cầu dầu hoả của cả nước, nên chăng áp dụng giải pháp là đưa mặt bằng giá lên bằng nhau, còn lại Nhà nước chỉ bù giá cho một số ít đối tượng như bù giá cho các đơn vị vận tải xăng dầu lên miền núi?

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.