ĐBQH Đỗ Văn Đương:

'Bớt ăn tiêu, dành tiền tăng lương'

TP - Chiều 31/10, thảo luận về ngân sách nhà nước năm 2014 - kế hoạch 2015, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương kêu gọi: “Hãy thương lấy những cán bộ có mức lương thấp, những người về hưu trước năm 1992-1993, bớt ăn tiêu đi, dành tiền tăng lương”.
'Bớt ăn tiêu, dành tiền tăng lương' ảnh 1

Đại biểu Trần Đình Nhã phát biểu thảo luận. Ảnh: Như Ý

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Quyết Tâm (Chủ tịch HĐND TPHCM) cho rằng, lý do trì hoãn tăng lương không thỏa đáng.

Khó mức nào mà không tăng lương?

Theo ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chính phủ cho biết năm 2015 chưa bố trí tăng lương do cân đối ngân sách khó khăn điều đó ai cũng biết, nhưng tất cả những lý lẽ đưa ra chưa thuyết phục. Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho rằng, do bộ máy cồng kềnh, năng suất lao động thấp, và nếu tăng lương thì áp lực tăng chi lớn nên phải cân nhắc tăng lương.

Nếu nói ngân sách khó khăn mà chúng ta không quan tâm cải thiện đời sống của cán bộ công chức thì không ổn và Quốc hội cần bàn kỹ việc này. Lý lẽ ấy không thuyết phục ở chỗ, những khó khăn đó hiển nhiên không phải lỗi của người lao động, mà do người điều hành, người sử dụng lao động.

Chất lượng lao động thấp có phải do cán bộ không? Một phần là có nhưng phần quan trọng, căn bản vẫn do công tác tổ chức nhân sự mà ra. Chúng ta tổ chức bộ máy nhà nước, giao nhiệm vụ, giao quyền hạn và thẩm quyền như thế nào đó dẫn đến trùng lắp, chồng chéo. Thậm chí, có hay không có lợi ích nhóm và không dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu, sự điều hành chưa quyết liệt, triệt để. Cần làm rõ, để thấy nguyên nhân là gì để công tác tuyển dụng đảm bảo công khai, có sự tranh tài, dân chủ thực sự.

“Tại sao chúng ta để một bộ máy mà người tích cực cũng như không tích cực, người sáng tạo cũng như người không sáng tạo, người có học hành tử tế cũng bị đối xử như người chạy bằng, chạy chỗ. Trong cơ chế ấy, người giỏi, có tự trọng sẽ không có động lực để phấn đấu; người làm dở sẽ không thấy xấu hổ, không thấy có lỗi, trên cơ sở đó, bộ máy sẽ không thể tạo ra năng suất lao động cao. Và cũng phải nói thêm, còn có lỗi của chính người đứng đầu năng lực yếu kém, hạn chế.

Nhưng hạn chế đó không xấu mà xấu là ở chỗ nguời đó sợ cấp dưới hơn mình, tìm mọi cách làm thui chột tài năng, sáng tạo, cống hiến của cán bộ công chức, nhất là cán bộ trẻ” - ĐB Quyết Tâm nêu rõ.

“Với 139.000 cấp phó, mỗi năm ngân sách sẽ phải chi tới mấy ngàn tỷ đồng và sẽ còn tăng vì lạm phát cấp phó chưa giảm”.

ĐBQH Trần Đình Nhã

Từ phân tích đó, ĐB Quyết Tâm đề nghị Chính phủ, Quốc hội tính toán, tổ chức lại bộ máy nhà nước khoa học hơn, phân cấp chức năng nhiệm vụ rõ ràng hơn, tinh gọn lại bộ máy và nâng cấp mức lương cơ bản lên, tránh tạo ra tâm lý không tốt. Nếu không tăng lương, sẽ tạo ra áp lực, tư tưởng không tốt cho bộ máy, không biết “ngân sách khó đến mức nào mà không đủ tăng lương?!”.

Chia sẻ với ĐB Tâm, ĐB Đỗ Văn Đương hiến kế tăng nguồn thu bằng cách chống gian lận, chiếm đoạt thuế, giảm hội thảo, hội nghị, đi nước ngoài cũng được vài chục ngàn tỷ. Cùng đó, phải giảm ngay bộ máy, nếu để đến năm 2020 mới giảm 100.000 biên chế không thấm so với gần 3 triệu cán bộ đang hưởng lương. Nếu tiết kiệm những khoản đó sẽ thừa sức tăng lương.

“Đêm tôi vẫn hay nằm mơ sang năm sẽ được tăng lương. Có tăng lương mới kích thích mình lao động mà người lao động thì còn khó khăn lắm, cần tăng lương cho họ” - ông Đương nói.

'Bớt ăn tiêu, dành tiền tăng lương' ảnh 2

ĐBQH Đỗ Văn Đương phát biểu tại phiên thảo luận về ngân sách nhà nước năm 2014 - kế hoạch 2015 chiều 31/10. Ảnh: Như Ý

“Lạm phát” cấp phó

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trần Đình Nhã nêu thực trạng: Chúng ta không chỉ lạm phát ngân sách mà còn có lạm phát cán bộ cấp phó. Vì thế mọi báo cáo thẩm tra phải có mục đánh giá đến tác động ngân sách nhà nước. Không nên để tình trạng mỗi luật ra lại đòi thêm một khoản chi ngân sách thì thật tai họa.

Quốc hội cần hành động ngăn chặn lạm phát cấp phó trong cơ quan hưởng ngân sách. Dù số lượng cấp phó quá lớn, có nơi 7-8 cấp phó, nhưng chưa có một văn bản nào có khả năng giới hạn gia tăng cấp phó.

Đặt câu hỏi “tại sao nước mình lại nhiều cấp phó như vậy”, ĐB Nhã tự lý giải: Đôi khi là do phong trào, cơ cấu vùng miền và nhất là cơ chế xin - cho, xin được thì tội gì mà không xin.

“Với 139.000 cấp phó, mỗi năm ngân sách sẽ phải chi tới mấy ngàn tỷ đồng và sẽ còn tăng vì lạm phát cấp phó chưa giảm. Quốc hội cần có nghị quyết giới hạn cấp phó hưởng ngân sách không quá 3 người, trường hợp đặc biệt xin thêm phải báo cáo Quốc hội, nếu làm được như vậy thì nền hành chính sẽ hiệu quả hơn” - ĐB Nhã phát biểu.

ĐB Đương chỉ rõ, trong số gần 3 triệu cán bộ hưởng lương, 1/3 không làm việc, đó chính là những công chức “ma”. Chưa kể còn có quá nhiều lãnh đạo, chỉ ngồi chỉ tay chứ không làm việc. “Vì sao lại có nhiều người phấn đấu lên làm lãnh đạo thế, để dân kêu quá!? Cần phải thu hút trung thần, những người tận tụy, biết lo cho dân thì đất nước mới phát triển được” - ĐB Đương phát biểu.

“Tại sao chúng ta để một bộ máy mà người tích cực cũng như không tích cực, người sáng tạo cũng như người không sáng tạo, người có học hành tử tế cũng bị đối xử như người chạy bằng, chạy chỗ. Trong cơ chế ấy, người giỏi, có tự trọng sẽ không có động lực để phấn đấu; người làm dở sẽ không thấy xấu hổ, không thấy có lỗi, trên cơ sở đó, bộ máy sẽ không thể tạo ra năng suất lao động cao. Và cũng phải nói thêm, còn có lỗi của chính người đứng đầu năng lực yếu kém, hạn chế. Nhưng hạn chế đó không xấu mà xấu là ở chỗ người đó sợ cấp dưới hơn mình, tìm mọi cách làm thui chột tài năng, sáng tạo, cống hiến của cán bộ công chức, nhất là cán bộ trẻ”.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.