Bóng hồng điệp viên của phe nổi dậy Libya

Bóng hồng điệp viên của phe nổi dậy Libya
Khó ai ngờ một phụ nữ Libya nhỏ nhắn có thể góp phần đẩy nhanh chế độ tồn tại gần nửa thế kỷ ở nước này đến bờ sụp đổ.

Dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, Libya là một nước Hồi giáo tương đối ôn hòa và phụ nữ được hưởng nhiều tự do hơn so với các quốc gia theo đạo Hồi khác. Tuy nhiên, nữ giới ở đây vẫn bị xem nhẹ hơn đàn ông và đó lại chính là “lá chắn” hoàn hảo cho nữ điệp viên 24 tuổi có mật danh Nomidia.

Theo Reuters, Nomidia là một điệp viên góp công lớn giúp NATO không kích và vô hiệu hóa quân đội của ông Gaddafi. “Lực lượng an ninh thường tập trung nghi ngờ đàn ông và không thể nghĩ rằng một cô gái có thể làm tất cả những việc này”, Nomidia nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn tại một khách sạn ở Tripoli, khoảng 2 tuần sau khi phe nổi dậy chiếm thủ đô.

Theo mô tả của Reuters, điệp viên này là một phụ nữ cao và thanh mảnh. Cô không tiết lộ tên thật do sợ bị trả thù bởi những nhân vật trung thành với ông Gaddafi còn ở Tripoli.

“Vũ khí bí mật” của NATO

Các đợt không kích của NATO tại Libya đều sử dụng hệ thống vệ tinh hoặc máy bay không người lái để định vị. Cách thức này có nhiều hạn chế như lực lượng của ông Gaddafi dựng căn cứ giả hay liên quân không biết trong các mục tiêu có dân thường hay không. Đó là khi những điệp viên như Nomidia phát huy vai trò.

Cách đây 5 tháng, chính quyền Gaddafi kiểm soát chặt thủ đô Tripoli và ngăn chặn bất kỳ thông tin nào có thể hữu ích cho phe đối lập. Điện thoại bị giám sát, tin nhắn điện thoại bị chặn và internet chỉ được sử dụng trong các văn phòng chính phủ. Các phóng viên nước ngoài thì bị giam lỏng tại một khách sạn.

Trong bối cảnh đó, Nomidia quyết định hành động sau khi chứng kiến lực lượng của ông Gaddafi đàn áp thẳng tay quân nổi dậy. Cô tìm cách gọi đến al-Ahrar, một đài truyền hình chống Gaddafi đóng ở Qatar, để thông báo tình hình ở Tripoli. Đài này lập tức phát sóng giọng nói của cô gái có biệt danh Nomidia về những gì đang xảy ra tại thủ đô Libya.

Dần dần, Nomidia thông qua nhiều quan hệ trung gian để làm quen với binh lính và sĩ quan trong quân đội của ông Gaddafi. Cô cũng móc nối được với những người bất mãn đang làm việc trong chính quyền Libya khi đó. Nắm được các thông tin về quân đội Libya như nơi cất giữ vũ khí và xe tăng, Nomidia cung cấp ngay cho al-Ahrar nhưng đài này không phát sóng vì sợ đánh động chính quyền Gaddafi.

Thay vào đó, họ chuyển thông tin cho NATO thông qua Hội đồng Chuyển tiếp quốc gia (NTC) của phe nổi dậy. “Cô ấy là một nguồn tin quan trọng và rất đáng tin cậy. Nhiều người đàn ông ở Libya không dám hành động như vậy trong thời điểm đó”, Reuters dẫn lời một thành viên cấp cao của phe nổi dậy nói.

Bảy điện thoại và 12 thẻ sim

Do mạng lưới điện thoại bị giám sát, phần nguy hiểm nhất trong hoạt động của Nomidia là chuyển thông tin về các mục tiêu. “Tôi sử dụng 12 sim và bảy chiếc điện thoại khác nhau”, Nomidia tiết lộ và nói thêm cô phải thường xuyên di chuyển để tránh bị theo dõi.

Trong cuộc trò chuyện với Reuters, Nomidia đã tiết lộ ba mục tiêu bị NATO không kích nhờ thông tin của cô. Các mục tiêu này bao gồm một nơi cất vũ khí ở quận Salaheddin của Tripoli, một căn cứ quân sự ở khu Bawabit Al-Jibs và một trụ sở cơ quan tình báo ở quận Sidi El-Masri. “Tôi đã tự mình lái xe đến các địa điểm và quan sát trong nhiều giờ, nhằm bảo đảm chúng bị đánh trúng”, cô nói.

Khi quân nổi dậy tràn vào Tripoli và tuyên bố bắt được con trai ông Gaddafi là Saif al-Islam hồi cuối tháng tám, Nomidia đã báo với đài al-Ahrar rằng điều đó không đúng sự thật. “Nomidia báo rằng nguồn tin của cô trong lực lượng an ninh Libya khẳng định Saif al-Islam vẫn an toàn. Quả nhiên, vài tiếng sau, ông ta xuất hiện tươi tỉnh ở Tripoli”, một nhà sản xuất của al-Ahrar kể với Reuters.

Hai tháng trước, Nomidia suýt bị bắt. Đội quân an ninh của ông Gaddafi lần theo dấu điện thoại và biết cả tên thật của cô, nhưng không biết họ. “Ngay lập tức tôi tắt tất cả điện thoại và cùng gia đình trốn chạy”, Nomidia kể lại.

Ngày 13 - 9, một quan chức NTC tên Hisham Buhagiar cho biết ít nhất 16 nam giới và một phụ nữ cung cấp tin tức tình báo cho họ.

“Chiến dịch không thể thành công nếu thiếu những người này”, Buhagiar nói với Reuters. Một phát ngôn viên NATO từ chối bình luận chi tiết nhưng khẳng định mạng lưới tình báo ở Tripoli đóng vai trò rất lớn trong thành công của phe nổi dậy. Riêng Nomidia tỏ ra khiêm tốn.

“Đó là chuyện đương nhiên phải làm. Tôi mừng là mình có thể sống sót để chứng kiến chiến thắng”, cô nói.

Saadi Gaddafi và ba tướng Libya xin tị nạn ở Niger Saadi, con trai nhà lãnh đạo Gaddafi, cùng ba tướng lĩnh Libya đến thủ đô Niamey của Niger vào ngày 14.9 để xin tị nạn chính trị tại đây. Theo giới chức Niger, Saadi đến Niamey bằng máy bay vận tải quân sự từ thị trấn phía bắc Agadez và đang bị lực lượng an ninh “canh giữ cẩn thận”. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm với CNN, Saadi nói mình không “chạy trốn” mà đang xem xét tình hình những người thuộc bộ tộc của Gaddafi đang tị nạn tại Niger.

Theo Trùng Quang
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
Xe BMW vượt ẩu, húc văng xe máy xuống mương
TPO - Ngày 11/12, một đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một chiếc BMW lấn làn, vượt ẩu trên đèo Dran, tỉnh Lâm Đồng húc văng xe máy xuống mương nước. Sự việc này đã khiến nhiều người bày tỏ bức xúc.
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
Cần Thơ: Chưa rõ thời điểm tái khởi động dự án bệnh viện nghìn tỷ 'đắp chiếu'
TPO - "Sau khi xác định được nguồn vốn, Sở Y tế sẽ trình UBND thành phố để điều chỉnh chủ trương. Nếu hoàn thành các thủ tục, được cấp nguồn vốn, chúng tôi sẽ triển khai dự án trong thời gian sớm nhất”, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ trả lời chất vấn của các đại biểu về dự án Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ- vốn dừng thi công và "đắp chiếu" từ năm 2022 tới nay.