Bóng đá Việt thời khủng hoảng

Bóng đá Việt thời khủng hoảng
Tại V-League giờ đây ngay những đội bóng thuộc hạng nhà giàu, cầu thủ cũng chỉ còn biết nhận lương cơ bản thay cho việc lúc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi nhờ tiền thưởng sau mỗi trận thắng.

> Vung tay quá trán, bóng đá Việt lãnh hậu quả

Cả làng bóng đá Việt đều không còn lạ gì câu chuyện GĐĐH của TPHCM, Nguyễn Chí Kiên đã phải bán chiếc xe hơi thứ 2 và cũng là cuối cùng của mình để trả lương cầu thủ.

Nhưng đó chỉ là phần lương cứng, còn các khoản khác như thưởng, lót tay vẫn trong trạng thái chờ vô hạn định.

Ông Kiên từng hy vọng cầm cự đến hết Euro 2012 thì sẽ có mạnh thường quân chịu nhận lại đội bóng, nhưng cuối cùng chẳng có ai thèm ngó ngàng tới đội bóng từng một thời là niềm tự hào của người dân Sài thành.

Khi giải đấu bước vào chặng nước rút, ông Kiên thừa nhận TP HCM khó tránh khỏi nguy cơ bị giải tán khi ngân khố của đội bóng không còn một đồng.

Muốn uống cafe, cầu thủ chỉ còn cách mang những vật dụng cá nhân có giá trị như máy tính, điện thoại ra tiệm cầm đồ. Cũng tại giải hạng Nhất, sau khi nhà tài trợ bắn tín hiệu bỏ cuộc, Bình Định lập tức để Hà Nội cầm hòa 0-0 ngay tại Quy Nhơn.

Trước đó 1 vòng, họ cũng tự vấp ngã bằng trận thua trước Tây Ninh, coi như chấp nhận ở lại hạng Nhất chứ không thăng hạng vì chưa biết lấy tiền đâu để nuôi đội bóng.

Nhìn xuống hạng Nhì, tình hình cũng chẳng khá hơn. Trước khi mùa giải 2012 hạ màn, các cầu thủ Ninh Thuận còn phải sống trong tình trạng vất vưởng, không tiền ăn sáng, không tiền tiêu vặt và liên tục bị đuổi khỏi nơi cư ngụ. Tất cả đều do không có tiền mà ra.

Tại V-League tình hình cũng bi kịch không kém. Ngay những đội bóng thuộc hạng nhà giàu, cầu thủ cũng chỉ còn biết nhận lương cơ bản thay cho việc lúc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi nhờ tiền thưởng sau mỗi trận thắng.

Khi mùa giải đang ở bước vào giai đoạn nước rút nhưng hiện có ít nhất 4 đội đang trong tình trạng nợ lương từ 2 đến 3 tháng.

Cầu thủ Việt vốn có suy nghĩ có thưởng mới chịu đá nên ở thời điểm khủng hoảng về tài chính chẳng bất ngờ khi NHM liên tục được chứng kiến những trận thua gây sốc.

Từng có thời bóng đá Việt được bơm rất nhiều tiền, giá trị của cầu thủ tăng cao đến chóng mặt, nhưng có mấy người tỉnh táo nhận ra và dù có nhận ra thì nói đã có mấy ai nghe đó là giá ảo. Rồi thì những giá trị ảo bắt đầu vỡ ra như bong bóng xà phòng.

Chỉ tiếc rằng trong giai đoạn được bơm tiền nhiều nhất, bóng đá Việt cũng chẳng thu được gì về mặt chuyên môn, để sau gần chục năm được đầu tư vẫn cứ mãi loay hoay ở vùng trũng của khu vực, thậm chí còn có một số mặt giật lùi.

Theo Song Linh
baodatviet.vn/Bóng đá toàn cầu

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG