Trước hết cần phải thừa nhận rằng trách nhiệm của VFF với thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 29 là không thể chối cãi, bởi chính VFF đã lựa chọn HLV Hữu Thắng, và cũng chính VFF đã để nhà cầm quân xứ Nghệ được toàn quyền với những quyết định về chuyên môn trong suốt thời gian dẫn dắt các ĐTQG ở AFF Cup 2016 cũng như SEA Games 2017. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong suốt nhiệm kỳ gần 2 năm của HLV Hữu Thắng ở các ĐTQG, không phải lựa chọn nào của HLV Hữu Thắng ở các giải đấu lớn cũng nhận được sự tán thành tuyệt đối của các thành viên trong Thường trực VFF, nhưng cuối cùng ông Thắng vẫn là người có toàn quyền quyết định ở ĐTQG, từ lựa chọn cầu thủ cho tới bổ nhiệm trợ lý.
Thực tế là thành tích của các ĐTQG dưới thời HLV Hữu Thắng không phải chỉ toàn màu xám, bởi ĐT U22 Việt Nam đã đoạt vé tham dự VCK U23 châu Á năm 2018, còn ĐT Việt Nam trước khi bị loại ở bán kết AFF Cup 2016 cũng đã thể hiện phong độ khá tốt ở vòng bảng. Tuy nhiên, ở những thời điểm quyết định thì các ĐTQG dưới quyền HLV Hữu Thắng đều không còn là chính mình, và bản thân nhà cầm quân xứ Nghệ cũng không đủ sáng suốt và quyết đoán để giúp đội bóng của mình xoay chuyển tình thế, khiến cho cả ĐT Việt Nam và ĐT U22 Việt Nam đều phải nhận thất bại ở AFF Cup 2016 và SEA Games 2017 theo cách rất đáng tiếc.
Vì thế mới nói VFF phải chịu trách nhiệm vì thất bại của ĐT U22 Việt Nam ở SEA Games 29 là điều đương nhiên, nhưng bóng đá Việt Nam không chỉ có một mình ĐT U22 Việt Nam, và không thể chỉ vì môn bóng đá nam thi đấu không thành công ở SEA Games 29 mà chúng ta lại phủ nhận nỗ lực và công sức của các ĐTQG khác. Chẳng hạn, ĐT U20 Việt Nam đã có thành tích xuất sắc là đoạt vé tham dự U20 World Cup 2017 và để lại dấu ấn mạnh mẽ ở sân chơi danh giá này, còn ĐT U15 Việt Nam đoạt chức vô địch Đông Nam Á năm 2017 sau khi đánh bại chính chủ nhà Thái Lan ngay trên sân khách, và ở SEA Games 2017 thì ĐT nữ Việt Nam đã giành HCV.
Nếu coi các giải đấu quốc tế dành cho cấp độ ĐTQG của bóng đá Việt Nam là những vụ mùa khác nhau thì có vụ mùa chúng ta bội thu, và cũng có những vụ mùa mà chúng ta thất bát. Trong bóng đá không thể có chỗ cho sự tồn tại của cái gọi là bách chiến bách thắng. Bóng đá Thái Lan có thể là bá chủ khu vực Đông Nam Á từ nhiều năm nay, nhưng xét ở cấp độ bóng đá trẻ thì Thái Lan còn thua xa Việt Nam, bởi U20 Việt Nam đã góp mặt ở U20 World Cup, còn Thái Lan vẫn chưa một lần được tham dự sân chơi này.
Bản thân Thái Lan tuy lấy được HCV bóng đá nam và 2 HCV futsal nam, nữ ở SEA Games 2017 nhưng họ lại để tuột mất HCV bóng đá nữ về tay ĐT nữ Việt Nam, khiến không ít cầu thủ nữ Thái Lan bật khóc tức tưởi ngay trên bục trao huy chương.
Cách đây đúng 10 năm, bóng đá Việt Nam từng trải qua một kỳ SEA Games tủi hổ trên đất Thái Lan sau khi ĐT U23 Việt Nam thất bại ở bán kết rồi tiếp theo thua thảm 0-5 ở trận tranh HCĐ, dù chỉ mới trước đó vài tháng, cũng chính ĐT U23 Việt Nam đã làm cả nước ngất ngây khi suýt nữa đoạt vé tham dự Olympic Bắc Kinh 2008 bằng cửa chính. Thế nhưng, đúng một năm sau, cũng với lứa cầu thủ này làm nòng cốt, ĐT Việt Nam đã đoạt chức vô địch AFF Cup 2008, danh hiệu quán quân bóng đá khu vực đầu tiên của bóng đá Việt Nam sau hơn 20 năm kể từ khi hội nhập trở lại với sân chơi quốc tế.
Nói vậy để thấy thắng thua trong bóng đá là một khái niệm rất vô cùng, và khoảng cách giữa thành công với thất bại đôi khi chỉ là trong gang tấc. Biết đâu thất bại ở 2 kỳ giải khu vực liên tiếp lại là động lực để bóng đá Việt Nam có được những kết quả tốt hơn ở các giải đấu quốc tế khác trong tương lai gần, mà cụ thể là năm 2018, với VCK U23 châu Á và AFF Cup.