Bóng đá Việt không chỉ có ĐTQG, V-League cần được đặt đúng vị trí!

0:00 / 0:00
0:00
V-League là "món ăn" hàng ngày của giới hâm mộ và là nền tảng cho sự lớn mạnh của các ĐTQG.
V-League là "món ăn" hàng ngày của giới hâm mộ và là nền tảng cho sự lớn mạnh của các ĐTQG.
TPO - V-League là nền tảng cho sự lớn mạnh của các ĐTQG nhưng lâu nay không được đánh giá đúng với vai trò của mình.

Thành công ở các giải đấu quốc tế và khu vực trong 3 năm qua đã giúp đội tuyển Việt Nam trở thành tâm điểm sự quan tâm của giới hâm mộ. Với mỗi chiến thắng, thầy trò HLV Park Hang-seo có thể nhận được số tiền thưởng tới hàng tỉ đồng.

Chuyện thường xảy ra 2 năm qua là mỗi lần đội tuyển Việt Nam có giải đấu, VPF lại chật vật lo đổi lịch để phục vụ. Mới đây, VPF một lần nữa đang phải đau đầu cân đối lịch thi đấu LS V-League 2021. Lý do bởi đầu tháng 9, đội tuyển Việt Nam sẽ bước vào Vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Giải sẽ diễn ra xuyên suốt tới tháng 3/2022. Cái khó với những nhà tổ chức là để đảm bảo thời gian tập trung cho đội tuyển Việt Nam, V-League phải thi đấu với cường độ cao trong thời gian ngắn trong tháng 8. Trong bối cảnh dịch COVID-19 thì việc tổ chức như vậy tạo nên nhiều rủi ro.

Bóng đá Việt không chỉ có ĐTQG, V-League cần được đặt đúng vị trí! ảnh 1

Bóng đá Việt đang sở hữu lứa cầu thủ tài năng, trưởng thành từ môi trường V-League. (ảnh Hữu Phạm)

“Gái có công, chồng chẳng phụ”, các yêu cầu của HLV Park Hang-seo đều được đáp ứng tối đa. Mọi nguồn lực tốt nhất đều được dồn cho đội tuyển Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng về lâu dài, việc phát triển hệ thống các giải VĐQG là nền tảng cho sự lớn mạnh của đội tuyển Việt Nam. Để gặt hái được thành công trong thời gian qua thì bên cạnh tài năng, sự tận tâm và cả may mắn của HLV Park Hang-seo, điều kiện đủ là bóng đá Việt Nam phải có một lứa cầu thủ tài năng. Đó là Công Phượng, Lương Xuân Trường, Văn Toàn, Tuấn Anh (HAGL), Quang Hải, Duy Mạnh, Đình Trọng, Đoàn Văn Hậu (CLB Hà Nội), hay Quế Ngọc Hải, Bùi Tiến Dũng, Hoàng Đức (Viettel)…Tất cả đều trưởng thành nhờ quá trình trui rèn ở V-League.

Trên thế giới, đặc biệt các nền bóng đá phát triển, xung đột giữa CLB với ĐTQG thường xuyên xảy ra liên quan việc triệu tập cầu thủ. FIFA đã có các quy định để điều tiết mối quan hệ này. Có thể do đặc điểm riêng cả về chính trị, văn hoá, bóng đá Việt Nam khó so sánh được với thế giới. Tuy nhiên để hướng tới sự phát triển lâu dài, đây là vấn đề cần được xem xét. Tiếng nói của các CLB trong mỗi lần đội tuyển Việt Nam tập trung cần được tôn trọng nhiều hơn.

Bóng đá Việt không chỉ có ĐTQG, V-League cần được đặt đúng vị trí! ảnh 2

Lợi ích và tiếng nói các CLB cần được lắng nghe nhiều hơn trong mối xung đột với ĐTQG?

Xin kể lại một câu chuyện như ở VCK U23 châu Á 2020 (Thái Lan), CLB Hà Nội đã phát sốt khi trung vệ Đình Trọng chưa bình phục chấn thương hoàn toàn nhưng vẫn được cho vào sân thi đấu. Sau giải đấu này, chấn thương Đình Trọng tiếp tục kéo dài rồi phải phẫu thuật. Mới đây khi Việt Nam dự Vòng loại thứ 2 World Cup 2022 tại UAE, đội bóng của bầu Hiển một lần nữa lại lo lắng khi Văn Hậu được gọi lên tuyển.

Rất nhiều ca chấn thương đã xảy ra với các tuyển thủ trong 3 năm qua. Nếu cứ “xài” hao như vậy thì lứa cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam sẽ đối diện với nhiều rủi ro.

V-League cần được trả lại đúng vị trí và vai trò, thay vì cứ mải mốt chạy theo các ĐTQG.

MỚI - NÓNG