Bóng đá Nghệ An chưa qua cơn vận hạn

Bóng đá Nghệ An chưa qua cơn vận hạn
TP - Mỗi năm, khi mùa bóng bắt đầu, người xứ Nghệ lại khấp khởi hy vọng đội bóng con cưng của họ thi đấu khởi sắc như ngày nào. Ấy vậy mà đến sân Vinh những ngày này chỉ được nghe toàn chuyện buồn.
Bóng đá Nghệ An chưa qua cơn vận hạn ảnh 1
SLNA (áo vàng) vấp ngã trước Bình Dương ngay trên sân Vinh trong trận đấu cuối tuần qua. Ảnh: Trường Huy

Những người thường xuyên tới sân Vinh theo dõi đội nhà thi đấu thường hay chú ý đến những chiếc xe đẩy bên đường piste, đó là những CĐV đặc biệt nhất thành Vinh - những thương binh đã gắn bó với đội bóng SLNA cả mấy chục năm trời.

Mấy năm trước, số cổ động viên đặc biệt này không dưới chục người, bây giờ chỉ lác đác một vài người tới cổ vũ. Những trận đấu vừa qua của SLNA, dù trời rét căm căm trên dưới 10 độ C, các cổ động viên đặc biệt này vẫn có mặt trên sân.

Bác Xuân Ba, một thương binh nặng tâm sự: “Rét thế này chưa ăn thua gì, những hôm trời mưa to, chúng tôi cũng đến sân xem các cháu đá bóng. Nhưng thật sự tôi buồn, mấy chục năm xem đá bóng ở đây, đã có lúc tôi chứng kiến cảnh sân Vinh đông chật khán giả. Ấy thế mà kể từ khi cái sân được xây to hơn thì người Nghệ lại ít đến sân hơn.

Cũng vì cách chơi của đội thôi. Bóng đá Nghệ An là phải máu lửa, thắng hay thua cứ tính sau nhưng máu lửa là xem khoái rồi. Đội bóng đổi nhiều tên, thay nhà tài trợ và cũng thay luôn cả cách chơi Sông Lam. Trận đấu nào cũng nhàn nhạt thì làm sao người hâm mộ đến sân cho được”.

Đem câu chuyện này tâm sự với Giám đốc điều hành CLB Hồ Văn Chiêm, ông Chiêm cũng thở dài: “Hôm trước, tôi ra Hà Nội họp, anh Hỷ (Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ - PV) có nói chuyện và hỏi thật rằng, chi phí cả năm của SLNA tất tật bao nhiêu, tôi đáp, 14 tỷ đồng.

Anh Hỷ không tin, nói rằng sao ít thế, tôi cũng chỉ biết trả lời rằng ở Nghệ An là vậy, ngoài đội một, còn bao nhiêu tuyến trẻ. Thế nên, kể từ khi nắm chức Giám đốc điều hành CLB, tôi hôm nào cũng mơ mỗi cầu thủ trẻ SLNA ngày ngày chỉ cần một cốc sữa để uống cũng không được”.

“Bóng đá chuyên nghiệp là tiền, không có tiền khó làm lắm - ông Chiêm nói - các cầu thủ giờ đây trưởng thành một chút là đòi đi. Họ muốn đi cũng đúng, vì nơi khác trả lương cao hơn, chúng tôi chỉ có cái tình để giữ họ lại”.

Quả thật, bóng đá Nghệ An vẫn chưa qua được cơn vận hạn. Dư âm của tiêu cực đã khiến lò bóng đá lừng danh Việt Nam một thời mất những HLV giỏi như Hữu Thắng, mất những cầu thủ giỏi như Văn Quyến, Quốc Vượng và trong vòng quay đồng tiền, SLNA cũng mất luôn cả những cầu thủ trụ cột như Dương Hồng Sơn, Cao Xuân Thắng, Văn Vinh…

Khó có thể tin, một lò bóng đá từng đóng góp cho đội tuyển quốc gia nhiều thủ môn giỏi nhất, giờ lại phải đi mượn thủ môn của H.Huế về canh giữ khung thành. Khó có thể tin, nơi có những tiền vệ vững chắc nhất, tinh quái nhất lại phải đôn Minh Đức - một cầu thủ chỉ giỏi cắt bóng và chặn bóng chứ không biết… chuyền - lên đá tiền vệ trụ.

Nhìn Công Vinh cứ đơn độc trong trận gặp B.Bình Dương cuối tuần qua, có người xứ Nghệ thở dài: “Rồi có ngày Công Vinh cũng bỏ SLNA mà đi thôi”.

Rời Nghệ An trong giá rét, một câu hỏi như cứ canh cánh trong lòng: “Lò SLNA từng là nơi ươm mầm cho các đội tuyển, bao giờ mùa xuân thực sự mới đến, để lòng tin trở lại?”.

Trở lại sân Vinh những ngày giá rét tê lòng, còn nghe được cả những câu chuyện buồn. Như mới đây, cầu thủ Hồng Việt bị công an tạm giữ và phát hiện trong người có 1 tép heroin. Tuy nhiên, Hồng Việt được thả ra ngay sau đó với lý do chỉ là người đi cùng.

Nửa năm trước, cầu thủ đội trưởng U19 Lưu Văn Hiền từng bị bắt quả tang sử dụng ma túy.

MỚI - NÓNG