Bóng đá Đà Nẵng và nỗi buồn đào tạo trẻ

Đà Nẵng đang phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng ngoại binh như Gaston Merlo (trái) hay nội binh chiêu mộ từ nhiều đội bóng khác, thay vì đào tạo trẻ. Ảnh: VSI
Đà Nẵng đang phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng ngoại binh như Gaston Merlo (trái) hay nội binh chiêu mộ từ nhiều đội bóng khác, thay vì đào tạo trẻ. Ảnh: VSI
TP - Nhà tài trợ không mặn mà đầu tư, bẵng đi một thời gian, bóng đá Đà Nẵng nay không còn giới thiệu được tài năng nào có triển vọng. Qua nhiều năm, bóng đá Đà Nẵng vẻ như chỉ chạy theo thành tích phần ngọn.

Thành tích trước mắt dĩ nhiên phục vụ tốt cho quan hệ làm ăn của nhà tài trợ với địa phương. Nhưng về lâu dài, bóng đá Đà Nẵng có thể rơi vào cảnh thiếu hụt lực lượng, đánh mất sự phát triển về chiều sâu. Dễ nhìn thấy nhất là trong 7 năm gần đây, tính từ năm 2009, CLB SHB Đà Nẵng có tới 2 lần đăng quang chức vô địch V.League. Thành tích ở các mùa giải còn lại cũng khá tốt, nếu không vào tốp 3 thì cũng duy trì trong nhóm đầu. Tuy nhiên, các kết quả trên gắn nhiều với tên tuổi của những cầu thủ ngoại, như Nguyễn Rodrigo hay Gaston Merlo, cùng những cầu thủ nội đã thành danh trong quá khứ, như Hải Lâm, Phước Vĩnh hay Quốc Anh, Vũ Phong…

Thông tin từ Đà Nẵng cho hay từ cách đây 5 năm, nhà tài trợ SHB đã “cắt” 2 tuyến U11 và U13, và thay vào đấy chỉ đào tạo căn bản ban đầu từ lứa U15. Quyết định trên có vẻ như cùng thống nhất với chiến lược đầu tư của nhà tài trợ này vào bóng đá, là không tham gia đào tạo trẻ. Cho đến tận năm 2015, tuyến trẻ của Đà Nẵng mới được khôi phục lại. Tuy nhiên, hệ quả của việc này thì dường như đã “phát tác”, thể hiện rõ qua thành tích của bóng đá Đà Nẵng ở cấp trẻ, mà gần nhất là giải U21 quốc gia.

Trong khuôn khổ giải đấu này, Đà Nẵng đã có tới 3 lần vô địch, ngang bằng Thể Công và chỉ đứng sau SLNA. Nhưng 2 mùa trở lại đây, họ thể hiện 1 bộ mặt hoàn toàn khác, nếu không muốn nói là gây thất vọng. Mùa giải 2015, Đà Nẵng bị loại ngay từ vòng bảng và bước qua năm 2016, đội bóng sông Hàn “nghỉ chơi” luôn giải đấu này vì thiếu lực lượng. Đây là chuyện khá ngạc nhiên, bởi trong bối cảnh các đội bóng đang đẩy mạnh khâu đào tạo trẻ thì Đà Nẵng lại như đi ngược xu thế.

Thiếu gương mặt triển vọng

Trong vài năm trở lại đây, bóng đá Đà Nẵng không giới thiệu thêm được gương mặt nào thực sự triển vọng. Nhìn vào HA.GL, SLNA hay thậm chí là “người anh em” Hà Nội T&T, đây là thực tế không mấy dễ chịu đối với những người tâm huyết với bóng đá nơi này. Thiếu nguồn cung có chất lượng, nên giải pháp đơn giản nhất SHB Đà Nẵng thực hiện để tăng cường quân là đi mua. Mùa giải năm nay, HLV Lê Huỳnh Đức dự báo có thể sẽ lại phải đẩy mạnh tuyển quân từ các đội bóng khác, do việc một loạt cầu thủ đã hết hạn hợp đồng.

Cụ thể theo một số nguồn tin, kết thúc V.League 2016, có ít nhất 5 cầu thủ sẽ hết hạn hợp đồng ở SHB Đà Nẵng, gồm: Nguyên Sa, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Vũ Phong và Quốc Anh. Hiện chưa thấy có thông báo nào về việc SHB Đà Nẵng sẽ gia hạn hợp đồng với các cầu thủ trên. Trong số này, tiếc nuối nhất có lẽ là trường hợp của tiền vệ đội trưởng Nguyên Sa. Bất chấp đề nghị từ phía Đà Nẵng, Nguyên Sa đã dứt quyết ra đi sau khi tìm được CLB mới. Không ai rõ quyết định của anh xuất phát từ vấn đề chuyên môn hay đơn thuần là tài chính. Tuy nhiên, việc mất tiền vệ vốn được nhiều người hâm mộ yêu mến dự báo có thể khiến SHB Đà Nẵng mất đi sức hút đối với chính CĐV nhà.

Những gương mặt kỳ cựu, gắn bó lâu năm với đội bóng cứ rơi rụng dần, trong khi lứa trẻ chưa đủ năng lực kế tục, có nỗi lo Đà Nẵng sẽ mất dần chất địa phương, trở thành 1 tập hợp “đánh thuê” trong tương lai. Lãnh đạo bóng đá Đà Nẵng có lẽ phải mừng, bởi cho tới lúc này sau nhiều năm dưới sự dẫn dắt của HLV Lê Huỳnh Đức, SHB Đà Nẵng thực sự êm ả trước dư luận. Rất khó để thấy HLV Lê Huỳnh Đức, và đặc biệt là cầu thủ SHB Đà Nẵng, phát ngôn trên
mặt báo.

Trong bối cảnh các CLB đều muốn đẩy mạnh làm hình ảnh, thì Đà Nẵng dường như chỉ cần sự yên ổn.

MỚI - NÓNG