Khi Pique tổ chức họp báo sau một tuần lễ bị CĐV Tây Ban Nha huýt sáo, chửi rủa từ sân tập cho đến sân đấu vì rủa xả Real, người ta cứ nghĩ anh sẽ đưa ra lời xin lỗi. Nhất là khi Sergio Ramos, một trong những cầu thủ có uy tín lớn nhất đội tuyển, cũng công khai chỉ trích hành động của Pique, ai cũng tin hậu vệ này sẽ lùi một bước để cứu vãn hòa bình.
Nhưng không, anh dùng cuộc họp báo ấy làm diễn đàn để tiếp tục chỉ trích Real. Anh bảo "luôn muốn nhìn thấy điều tồi tệ nhất xảy đến với Madrid". Pique tranh thủ khoe luôn là khi Real đá với Juventus tại bán kết Champions League mùa trước, anh đã mặc một cái áo của Gianluigi Buffon.
Ở một quốc gia và một thời đại mà từng câu, từng lời của cầu thủ nổi tiếng sẽ bị cắt ra, đưa lên thớt, bị soi bằng kính hiển vi, bị bóp méo và xuyên tạc, họ ngày càng ngại nói ra những lời thực lòng. Họ sợ điều đó sẽ gây bất lợi cho sự nghiệp của bản thân, sợ mất đi người hâm mộ, sợ ảnh hưởng đến tiền đồ. Nhưng Pique thì khác. Bạn gái của anh - Shakira - có ca khúc "Hips don't lie", còn Pique nếu chuyển sang nghiệp cầm ca hẳn sẽ viết bài "Words don't lie" (Ngôn từ không dối trá) bởi anh không biết nói dối. Anh căm thù Real đến tận xương tủy và không bao giờ giấu diếm điều đó.
Pique vẫn cười rất tươi bất chấp những chỉ trích từ truyền thông và người hâm mộ.
Đấy là lý do vì sao bóng đá cần những người như Pique. Ta cần những con người chân thật, nói những lời chân thật, kể cho mọi người những câu chuyện thật. Bóng đá giờ tràn ngập sự dối trá. Nicolas Otamendi vừa ra mắt Man City lập tức nói một cách sách vở rằng: "Tôi hâm mộ Man City từ khi còn bé". Thực tế thì hồi đó, Otamendi ở tận Argentina, Ngoại hạng Anh còn chưa ra đời và Man City đang đá ở tuốt tận giải… hạng Nhì của Anh. Trung vệ sinh năm 1988 có lẽ còn chẳng biết có đội bóng tên là Man City, nói gì đến hâm mộ.
Vậy mà, những người như Otamendi không hiếm. Họ đến một CLB mới, bảo đá cho đội ấy luôn là giấc mơ. Rồi sau đó họ dời cái giấc mơ ấy sang một giấc mơ khác. Người như Nicolas Anelka, sự nghiệp có hơn một chục giấc mơ, mơ mãi không tỉnh – như anh chàng Dom Cobb do Leonardo di Caprio thủ vai trong phim Inception.
Sự bộc trực của Pique đáng trân trọng bởi dù biết phát ngôn của mình sẽ gây bão, sẽ biến mình thành cái gai trong mắt các CĐV Real, sẽ tạo ra những hệ lụy không tốt cho tương lai tại đội tuyển, anh vẫn nói. Cũng chính vì cái thói nghĩ sao nói vậy, đá móc xỉa xói đối thủ mà Pique không được lòng các đồng đội ngay chính tại Barca. Khi đội bóng bầu thủ quân sau sự ra đi của Xavi, họ chọn Javier Mascherano - một anh chàng Argentina - làm đội phó chứ không chọn người sinh ra tại Catalan như Pique.
Khi Barca ăn mừng Siêu Cup châu Âu hồi đầu mùa giải này, Pique bỗng dưng cũng lôi Real vào để châm chọc.
Nhưng nhờ có Pique, cuộc đối đầu kinh điển Real - Barca lại càng sống động hơn. "Khi Bernabeu vang lên những tiếng huýt sáo, tôi lại nghe nó như những lời ca du dương", Pique nói thế, đơn giản vì anh nghĩ thế. Trước đó anh bị chính những CĐV Tây Ban Nha huýt sáo vì móc mỉa Real khi ăn mừng Siêu Cup, anh cám ơn ca sỹ Kevin Roldan vì đã hiện diện trong đêm sinh nhật của Cristiano Ronaldo - vào thời điểm mà Real bị Atletico Madrid hạ nhục 4-0 và tạo điều kiện cho Barca xoay chuyển cuộc đua vô địch mùa trước.
Đấy chỉ là những việc anh mới làm trong vài tháng trở lại đây. Trước đó, anh đưa năm ngón tay kiêu hãnh lên trời sau khi Barca hạ Real 5-0 trong trận cầu El Clasico 2010, một trong những trận thua nhục nhã nhất của Jose Mourinho. Phát biểu sau trận đấu ấy, anh bảo đời anh chỉ mơ có thêm vài trận thảm sát "bàn tay nhỏ" như thế. Khi Real được hưởng một quả phạt đền cuối trận gặp Elche cách đây hai năm, Pique viết trên Twitter của anh: "Bật kênh bóng đá mà được coi hài kịch. Thật là lố bịch".
Còn nhiều, nhiều lần Pique móc mỉa Real kiểu như vậy. Nhưng có sao đâu. Pique là người Barcelona, anh là một cule từ trong máu, mà đã là cule mặc nhiên phải ghét Real như kiến cỏ. Real, Barca vĩ đại nhờ sự thù hận ấy, trận El Clasico mang danh "Siêu kinh điển", được cả thế giới tôn sùng là trận cầu vĩ đại nhất chính là nhờ vào mối huyết hải thâm thù. Bây giờ mà Pique nói những lời tốt đẹp, đấy mới đích thị là đạo đức giả.
Ngày trước, Mourinho từng tức giận với Iker Casillas vì anh đã gọi điện cho Carles Puyol và Xavi để giảng hòa, khi căng thẳng trong những trận El Clasico leo thang không ngừng. Mourinho đã chỉ trích Casillas thậm tệ, trước mặt các cầu thủ Real cũng có, nói xéo trên truyền thông cũng có. Ông không thể hiểu nổi vì sao thủ quân của Real lại đi giảng hòa với cầu thủ Barca.
Ở nước Anh, khi Jack Wilshere của Arsenal chế nhạo kình địch Tottenham trong chuyến xe ăn mừng chức vô địch Cup FA hồi mùa hè, cựu danh thủ Gary Neville bảo đấy là điều tuyệt vời nhất mà anh từng thấy suốt nhiều năm liền. Đấy là vì người ta ngày càng không thật, ngày càng biến những trận đấu kinh điển kiêu hùng thành những màn hữu nghị giả tạo. Bóng đá là xung đột, là va chạm nảy lửa, là thù hận kinh thiên. Đấy đâu phải là nơi trao giải Nobel hòa bình.
Bóng đá, thật may, còn những người như Wilshere và Pique.