Nổ lớn, bỏng toàn chỗ hiểm
Ngày 16/1, gia đình anh Phan Minh Đ. (40 tuổi, trú quận Long Biên, Hà Nội) đi ăn cưới người thân tại một nhà hàng. Khi ra về, các con và cháu anh Đ. cầm chùm bóng bay có bơm khí hydro để chơi (chùm bóng này do nhà hàng chuẩn bị phục vụ tiệc cưới).
Khi có cháu xin bóng để chơi, anh Đ. rút dây buộc trong chùm bóng ra nhưng không được nên dùng bật lửa đốt. Quả đầu tiên được lấy ra trót lọt theo cách này. Đến quả thứ 2, anh đưa bật lửa đốt dây buộc thì cả chùm bóng phát nổ. Anh Đ. bị bỏng kín mặt và 2 tay. Chiếc áo khoác anh mặc cũng bị cháy.
Có 4 người bị bỏng sau sự cố này, gồm 3 bố con anh Đ. và một người cháu. Điểm chung của các nạn nhân này là bị bỏng ở mặt, cổ, tai, hai bàn tay. Tiếng nổ phát ra lớn đến mức người nhà tưởng nổ bình gas trong bếp của nhà hàng, nhưng khi thấy bố con anh Đ. đang bị lửa “chờm” khắp đầu, mặt, hai tay và quần áo bốc cháy thì tất cả mới tá hỏa.
Áo khoác của con gái của anh Đ. bị sức nổ làm cho bật tung, bông trong áo bay ra ngoài. Sau khi được sơ cứu tại chỗ, cả 4 được chuyển tới khoa Bỏng, bệnh viện Xanh Pôn để điều trị.
“May mà gia đình chưa cho chùm bóng vào ô tô để đi về, nếu nổ và cháy trong xe ô tô thì không biết hậu quả sẽ thế nào”, anh Đ. thuật lại sự việc mà chưa hết bàng hoàng. Theo anh và những người thân trong gia đình, từ trước tới nay không ai nghĩ bóng bay lại nguy hiểm như thế. Song vào bệnh viện mới biết bóng bơm khí hydro nguy hiểm như vậy.
Ngay trong sáng 17/1, lại có trường hợp bị bỏng khi đi chụp ảnh cưới cùng bóng bay được bơm khí hydro. May mắn là cô dâu chỉ bị xém nhẹ ở mặt, còn 2 nhân viên của studio ảnh cưới đang giữ bóng thì bị bỏng khá nặng.
Anh Đ. cho biết rất may là sự việc xảy ra vào mùa đông, người nào cũng mặt nhiều quần áo, quấn khăn nên diện tích bỏng được giảm nhiều, chỉ những vùng da hở ra mới bị bỏng.
Chuyện không hiếm
Bác sĩ Nguyễn Thống, trưởng khoa Bỏng bệnh viện Xanh Pôn cho biết đây không phải chuyện hiếm hoi. Mỗi năm, khoa Bỏng của bệnh viện này tiếp nhận hàng chục vụ tương tự, chủ yếu xảy ra vào thời điểm lễ hội, Tết, cưới xin - thời điểm bóng bay được trẻ em sử dụng nhiều.
“Chỉ cần có tàn thuốc chạm vào là quả bóng sẽ thủng, khí hydro thoát ra kết hợp với khí oxy gây nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo”, bác sĩ Thống thông tin. Bóng bay là đồ chơi ưa thích của trẻ nhỏ nhưng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Bỏng do nổ bóng bay có bơm khí hydro như trên có đặc điểm là lửa chờm nhẹ, bốc nhanh song điều nguy hiểm là bỏng trong trường hợp này thường rơi vào “chỗ hiểm” như đầu, mặt, cổ, tai và hai bàn tay. Và đã bị bỏng theo kiểu này thì thường cả nhà cùng bị một lúc.
Do đó, nạn nhân thường không bị bỏng sâu, bỏng nặng (như bỏng xăng, lửa) nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến thẩm mỹ. Theo bác sĩ Thống, dù nguy hiểm như vậy song hiện nay, thông tin và kiến thức của người dân về những tình huống như thế này đang rất hạn chế.
Ông Thống khuyến cáo người dân nếu cho con chơi, sử dụng bóng bay cần tránh xa nguồn lửa. Ở nơi công cộng, có thể có tàn thuốc lá tạt vào gây sự cố nên cần hết sức thận trọng.