Ngày 1/5, Tổng cục Thống kê cho biết, giá vàng trong nước biến động ngược chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 24/4, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.755 USD/ounce, tăng 2,08% so với tháng 3/2021 do lợi suất trái phiếu Mỹ giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn. Bên cạnh đó, lực mua lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đã đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi giá vàng. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2021 giảm 1,9% so với tháng trước; tăng 13,84% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 20,84%.
Trên thị trường vàng trong nước, ngày 1/5, Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, niêm yết vàng miếng ở mức 55,1 – 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Công ty Phú Quý niêm yết vàng miếng SJC ở mức giá 55,23 – 55,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Mức giá này tăng 30.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra so với phiên giao dịch hôm qua. Nhẫn tròn trơn 999.9 ở mức 52,2 – 52,7 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so với phiên giao dịch trước đó.
Sáng 1/5, (theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới ở mức 1.771 USD/ounce. Mức giá này tăng 2 USD/ounce so với cuối phiên giao dịch hôm qua.
Trên thị trường tiền tệ, sáng 1/5, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm USD ở mức 23.158 VND. Mức giá này giữ nguyên so với phiên giao dịch trước đó.
Tại các ngân hàng thương mại, giá giao dịch USD có xu hướng chững lại so với các phiên giao dịch trước đó.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietcombank (hội sở chính), giá USD được niêm yết với mức 22.930 - 23.140 đồng/USD. Mức giá này giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch trước đó.
Ngân hàng Tiên Phong niêm yết giá USD ở mức 22.905 - 23.138 đồng/USD. Mức giá này giữ nguyên ở cả 2 chiều mua vào và bán ra so với phiên giao dịch hôm qua.