Bón phân hiệu quả cho cây cam sau thu hoạch

Bón phân hiệu quả cho cây cam sau thu hoạch
TP - Cam có nhiều giống và trồng ở nhiều vùng sinh thái khác nhau nhưng thời vụ thu hoạch tập trung chủ yếu vào những tháng cuối năm và trước Tết Nguyên đán. Cam có bộ rễ ăn sâu, tán rộng, năng suất cao nên yêu cầu lượng dinh dưỡng lớn. 

Trung bình một tấn quả cam lấy đi trong đất: 1,7kg N; 0,5kg P205; 3,2kg K và các chất trung và vi lượng. Đất trồng cam thích hợp có tầng canh tác dày, tơi xốp, thoát nước, có tính kiềm pH từ: 5,5 - 6,5. Khi độ chua của đất pH thấp hơn 5,5 bộ rễ sẽ bị Fe, Al gây độc hại, cây dễ bị thiếu các yếu tố dinh dưỡng như: Ca, Mg, P  và Mo, hoạt tính của các vi sinh vật đất cũng bị giảm thấp. Do yêu cầu đất đai, dinh dưỡng và đặc tính của cây như trên nên nhiều vùng trồng cam tập trung đã chọn phân Văn Điển để bón rất hiệu quả.

Lân Văn Điển có tỷ lệ can xi khá cao nên có tác dụng khử chua, nâng dần độ pH của đất phù hợp với cây cam. Đất trồng cam chủ yếu trồng trên đồi, vườn, bãi sông là nơi cao, dốc; dễ bị rửa trôi và thiếu các chất trung và vi lượng. Lân Văn Điển là loại lân chậm tan, chỉ tan trong dung dịch a xít yếu do rễ cây tiết ra, cây cần đến đâu phân hòa tan đến đó nên hạn chế bị rửa trôi. Ngoài ra Lân Văn Điển còn bổ sung các chất trung và vi lượng, các chất này đất đang thiếu hụt mà rất cần thiết cho cây. Các loại phân đa yếu tố NPK Văn Điển chuyên dụng bón cho các loại cây trồng nói chung, trong đó có phân NPK bón cho cây cam nói riêng do thành phần chính có lân Văn Điển nên cũng có tác dụng như trên. Nó khác với một số loại phân NPK thông thường là ngoài đạm, lân, ka li còn có các chất trung và vi lượng. Như vậy, NPK Văn Điển cung cấp đủ 16 chất dinh dưỡng thiết yếu cho cây trồng với tỷ lệ dinh dưỡng cao và cân đối. 

Ngoài vai trò của đạm, lân, ka li là các chất dinh dưỡng chính các chất trung, vi lượng tuy cây cần ít nhưng giúp tăng năng suất, chất lượng, tăng sức chống chịu với các điều kiện thời tiết bất thuận và sâu bệnh, ngoài ra còn có tác dụng cải tạo đất.  Mg là chất tạo diệp lục tố và khử chua giúp làm cho cam tăng độ ngọt, tăng thời gian bảo quản. Silic khử độc Fe và Mn, gúp thành mạch vành vững chắc làm cho sâu bệnh khó xâm nhập. Silic còn góp phần cứng cây, tăng chất lượng quả như tăng độ ngọt, nhiều nước và hương vị của quả.

Đối với cam thời kỳ kinh doanh: Số lượng phân đầu tư tùy theo độ tuổi cây và năng suất. Trong năm, kết hợp bón phân hữu cơ với phân Văn Điển. Chia làm 4 đợt bón: Đợt 1: Sau khi thu hoạch quả (đây là lần bón quan trọng nhất), giúp cam hồi sức sau nhiều tháng nuôi quả tốn nhiều dinh dưỡng. Bón một gốc từ 10- 15kg phân hữu cơ, 1- 3kg lân Văn Điển. Ba đợt sau bón bằng loại phân NPK Văn Điển: 12-5-10 hoặc 12-8-12, 12-12-17. Đợt 2: Bón trước khi ra hoa nhằm kích thích ra hoa và lộc xuân. Cam từ 4 đến 7 năm, bón một gốc 1 - 1,5kg; cam từ 8 - 11 năm, bón một gốc 1,5 - 2kg; cam trên 11 năm, bón một gốc 2,5 - 3kg. Đợt 3: Sau khi ra quả sinh lý (quả bằng ngón tay) bón nuôi quả. Cam từ 4 - 7 năm, bón một gốc 1,5 - 2kg; cam từ 8 - 11 năm, bón một gốc 1,5 - 2kg; cam trên 11 năm, bón một gốc 2,5 - 3kg. Đợt 4: trước khi thu hoạch 1 - 1,5 tháng, giúp tăng trọng lượng quả, tăng độ nước và vị ngọt. Cam từ 4 - 7 năm bón một gốc 2 - 2,5kg; cam từ 8 - 11 năm, bón một gốc 2,5 - 3kg; cam trên 11 năm bón một gốc 3,5 - 4kg.

Cách bón: Xới đất, làm cỏ, rải phân theo đường chiếu của tán cây trở vào cách gốc 40- 50cm, lấp đất. Nếu đất khô phải tưới đủ ẩm.

MỚI - NÓNG