Bốn mẹ con đạp xe từ Đồng Nai đi Nghệ An được nhiều nhà hảo tâm giúp, chờ lên tàu về quê

0:00 / 0:00
0:00
Thất nghiệp vì dịch COVID-19, 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An.
Thất nghiệp vì dịch COVID-19, 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An.
TPO - Vào Đồng Nai làm thuê nhưng vì dịch COVID-19 nên thất nghiệp, 4 mẹ con ở Nghệ An đã quyết định bán chiếc điện thoại mua 2 xe đạp cũ, rồi đạp về quê.

Bán điện thoại mua 2 chiếc xe đạp cũ

Tối 19/7, trên mạng xã hội đăng tải hình ảnh 4 người trú ở Nghệ An đạp xe từ Đồng Nai về quê với quãng đường hơn 1.000 km gây xúc động mạnh.

Sau 10 ngày đạp xe từ Đồng Nai về quê, họ đi được 300km. Khi ra đến tỉnh Ninh Thuận, có người biết câu chuyện thương cảm của gia đình nên đã chụp ảnh đăng lên mạng xã hội, kêu gọi sự giúp đỡ.

Bốn mẹ con đạp xe từ Đồng Nai đi Nghệ An được nhiều nhà hảo tâm giúp, chờ lên tàu về quê ảnh 1

Anh Võ Thanh Bình bán điện thoại mua xe đạp cũ để về quê.

Anh Võ Thanh Bình (28 tuổi, trú xóm 6, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, gia đình 4 người gồm mẹ Nguyễn Thị Hương (50 tuổi), chị gái Võ Thị Thanh Thanh (30 tuổi) và cháu gái Võ Thanh Trinh (12 tuổi) vừa có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 sau khi được test nhanh tại một trạm y tế ở TP Tháp Chàm (Ninh Thuận).

Hiện, cả nhà đang cách ly tại một căn phòng ở ga Tháp Chàm, chờ ngày lên tàu hỏa để về quê, sau khi một số nhà hảo tâm đã giúp đỡ tiền và mua vé tàu.

Anh Bình kể, gia đình 4 người vào thuê trọ tại huyện Trảng Bom (Đồng Nai) để làm thuê cho công ty. Mấy tháng trước, mẹ anh - bà Hương bất ngờ bị tai biến khiến cuộc sống khó khăn hơn. Ngoài tiền trang trải hàng ngày, anh còn phải lo cho mẹ đi viện.

Bốn mẹ con đạp xe từ Đồng Nai đi Nghệ An được nhiều nhà hảo tâm giúp, chờ lên tàu về quê ảnh 2

4 mẹ con chủ động khai báo y tế

Ra viện, mẹ của Bình không đủ sức khỏe đi làm công nhân như trước nên ở nhà chăm cháu. Bình và chị gái tiếp tục đi làm. Tuy nhiên, 3 tháng qua dịch COVID-19 bùng phát khiến cả 2 chị em thất nghiệp.

Không có nguồn thu nhập, tiền tích trữ của gia đình cũng dần cạn kiệt. Nghĩ đến tiền ăn, tiền thuê phòng phải trả hàng tháng, anh Bình bàn với mọi người về quê vì không thể cầm cự.

Sau khi bàn bạc, họ quyết định bán một chiếc điện thoại lấy tiền bắt xe khách về quê. Tuy nhiên, khi ra đường quốc lộ, không có xe khách nào chạy. Cả 4 người bèn đi mua 2 chiếc xe đạp cũ với giá 700 nghìn đồng, đạp về quê.

Góc phố, vỉa hè làm chỗ ngủ

Ngày 9/7, gia đình 4 người bắt đầu hành trình vượt hơn 1.000 km trở về quê hương. Bình còn khỏe nên đạp xe chở mẹ bị tai biến, còn chị chở con gái. Ban ngày, cả nhà đạp xe liên tục đến khi nào mệt thì ghé bóng râm nghỉ. Đêm đến, họ tìm những nơi an toàn như góc phố, vỉa hè rồi trải tấm nilong nằm ngủ tạm.

“Dọc đường đi, một số người hỏi và biết hoàn cảnh nên cũng cho đôi đồng uống nước. Đôi lúc mệt quá, cả nhà cũng định tìm nhà nghỉ ngủ qua đêm, tắm rửa chút nhưng không có chỗ nào mở cửa. Thậm chí mua cơm ăn cũng rất khó vì đang mùa dịch. Chúng tôi cứ đạp xe đi khi nào mệt thì nghỉ ở đó”, anh Bình kể.

Bốn mẹ con đạp xe từ Đồng Nai đi Nghệ An được nhiều nhà hảo tâm giúp, chờ lên tàu về quê ảnh 3

Câu chuyện gia đình 4 mẹ con ở Nghệ An nhận được sự đồng cảm của nhiều người

Sau 10 ngày ròng rã đạp xe, 4 người đã vượt gần 300km. Khi đến địa phận huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), họ gặp chốt kiểm soát nên chủ động xuống khai báo y tế. Khi biết được hoàn cảnh của gia đình, các chiến sĩ công an cũng như người dân địa phương tại đây đã hỗ trợ thực phẩm.

Một số người sau đó đã chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội về câu chuyện. Biết tin, một số nhà hảo tâm tìm đến tận nơi trao tặng tiền và mua vé tàu giúp họ trở về quê.

Bốn mẹ con đạp xe từ Đồng Nai đi Nghệ An được nhiều nhà hảo tâm giúp, chờ lên tàu về quê ảnh 4

Các nhà hảo tâm tới hỗ trợ gia đình.

Bà Trần Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc (Nghệ An) cho biết, huyện đã xác minh và liên lạc được với 4 người trong gia đình.

“Dự kiến thứ 5 (ngày 22/7), 4 mẹ con về đến Nghệ An. Huyện đã bố trí xe và lực lượng y tế đón cả nhà về cách ly tại xã Nghi Xá. Chính quyền sẽ quan tâm và hỗ trợ hết mức”, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc nói.

MỚI - NÓNG