Bốn kịch bản thành lập tòa án xét xử vụ MH17 bị bắn rơi

Hiện trường vụ máy bay Boeing 777 bị bắn rơi ở Ukraine
Hiện trường vụ máy bay Boeing 777 bị bắn rơi ở Ukraine
TP - Sau khi dự thảo nghị quyết về việc thành lập Toà án Quốc tế xét xử vụ máy bay Boeing 777 mang số hiệu MH17 của Malaysia Airlines bị bắn rơi tại mạn đông Ukraine bị Nga phủ quyết tại HĐBA LHQ, các nước phương Tây tuyên bố khởi động kế hoạch “B”.

Mục đích của kế hoạch “B” vẫn là thành lập một toà án ít nhiều có tính chất quốc tế nhưng theo những kịch bản khác. Theo giới phân tích, có thể có 4 kịch bản.


Kịch bản thứ nhất

Các nước phương Tây có thể đưa vấn đề ra thảo luận tại Đại hội đồng LHQ với hy vọng Đại hội đồng sẽ thông qua nghị quyết về việc thành lập Toà án Quốc tế dựa trên nghị quyết 337 có tên gọi “Thống nhất vì hòa bình”. 

Nghị quyết 337 đó có ghi rõ trong trường hợp HĐBA không thể đạt được đồng thuận trong những vấn đề liên quan đến việc duy trì hoà bình và bảo đảm an ninh, vấn đề này có thể được chuyển tới Đại hội đồng và Đại hội đồng sẽ đưa ra những khuyến cáo cho HĐBA. 

Trong lịch sử LHQ, kịch bản này đã được áp dụng 12 lần nhưng chỉ một lần có hiệu lực - đó là trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956.

Tuy nhiên, khó khăn chính là ở chỗ để khởi động được kịch bản này cần có 129 phiếu thuận, tức là cần có 2/3 tổng số các nước thành viên LHQ bỏ phiếu thuận. Nhưng hồi tháng 3 năm ngoái, ngay cả nghị quyết lên án Nga sáp nhập Crimea cũng chỉ thu được 100 phiếu thuận.

Hơn thế nữa, nếu Đại hội đồng LHQ quyết định thành lập Toà án Quốc tế, tiền lệ này có thể gây nguy hại cho chính các nước thành viên thường trực HĐBA. Chẳng hạn, Nga có thể nêu lại vấn đề về tấn thảm kịch Iraq, một điều mà Mỹ chẳng thích thú gì.

Kịch bản thứ hai

Các nước phương Tây có thể chuyển vụ việc đến Tòa án Hình sự quốc tế La Haye. Nhưng Nga là nước không phê chuẩn thỏa thuận về việc thánh lập Toà án đó còn Mỹ thì đã rút lại chữ ký. Vì vậy kịch bản này không thể gây áp lực với Nga.

Kịch bản thứ ba

Toà án có thể được thành lập trên cơ sở thỏa thuận giữa LHQ với một quốc gia cụ thể. Chẳng hạn vào năm 2007, LHQ đã cùng Lebanon thành lập Tòa án đặc biệt nhằm xác định thủ phạm đã sát hại cựu Thủ tướng nước này là ông Rafik Hariri. Trước đó, vào năm 2003, LHQ cũng đã hỗ trợ cho việc thành lập Toà án đặc biệt xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ ở Campuchia. Nhưng những toà án như vậy chưa bao giờ được HĐBA LHQ công nhận.

Kịch bản thứ tư

Cực chẳng đã, các nước phương Tây còn có thể áp dụng kịch bản này, theo đó việc xét xử chỉ ở cấp quốc gia. Tiền lệ đã có. Đó là “vụ Lockerbie”, vụ chiếc máy bay Boeing 747 của hãng hàng không Pan American bị nổ tung trên bầu trời Scotland năm 1988. Đây là một vụ khủng bố mà người ta nghi có bàn tay chỉ đạo của nhà lãnh đạo Libya hồi đó là ông Gaddafi. 

Cuộc điều tra do Viện Công tố Scotland thực hiện và toà án xét xử cũng là toà án Scotland nhưng không nhằm mục đích tìm ra thủ phạm gây ra vụ khủng bố mà ông Gaddafi mới là mục tiêu chính để toàn bộ bộ máy tuyên truyền phương Tây tập trung mũi nhọn đả kích. 

Về sau, Ủy ban chịu trách nhiệm xem xét lại các vụ án hình sự của Scotland khẳng định Viện Công tố đã “phạm nhiều sai lầm” và đã không cung cấp cho toà án cũng như cho bên bào chữa những tư liệu chủ chốt có thể biện hộ cho bị cáo. Rõ ràng một vấn đề quốc tế hệ trọng không thể đưa ra xét xử tại toà án cấp địa phương.

Cả 4 kịch bản nêu trên đều không thể đem lại kết quả mà phương Tây mong muốn - đó là buộc Nga phải gánh chịu một trách nhiệm nặng nề do họ áp đặt một cách vô lối từ bên ngoài. Nhưng phương Tây chắc chắn vẫn sẽ kiên trì ý đồ thành lập toà án của họ. Bởi lẽ, mục tiêu sâu xa của họ không phải là thực thi công lý mà là gây áp lực với Nga, làm suy giảm uy tín của Nga trên trường quốc tế.

Theo Theo Pravda.ru
MỚI - NÓNG