Bốn giải pháp cần làm ngay

Bốn giải pháp cần làm ngay
TP - Nước Việt Nam có một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, nhưng điểm thi Đại học của môn này chỉ đạt trung bình 2,09/10 điểm (2007) cho thấy sự chênh lệch nghiêm trọng giữa bề dày kiến thức của học sinh và bề dày lịch sử dân tộc.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên đã rõ, nhưng việc đưa ra giải pháp cụ thể cần sự quan tâm đóng góp ý kiến của toàn xã hội mà trước hết là tinh thần và trách nhiệm từ những người yêu và đến với Lịch sử.

Thứ nhất, để giải quyết tốt vấn đề sách giáo khoa Lịch sử, trên tinh thần đánh giá những thiếu sót và yếu điểm hiện nay để xây dựng bộ sách giáo khoa sao cho vừa đáp ứng nhu cầu nhận thức, vừa thu hút học sinh ngay từ cấp học đầu tiên.

Phương pháp tiếp cận vấn đề cũng như việc sử dụng văn phong phù hợp với cách tiếp nhận của học sinh là cách đưa các em đến với đam mê Lịch sử một cách tự nhiên.

Lâu nay phương pháp tiếp cận và văn phong trong sách giáo khoa Lịch sử bị chi phối mạnh bởi tư duy người viết, nặng về tư duy nghiên cứu khoa học.

Khi cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm được xuất bản, hàng triệu người dân Việt Nam, trong đó đông đảo các em học sinh đón nhận là bằng chứng sinh động về sức hấp dẫn của Lịch sử.

Nếu những người viết sách biết “gãi” đúng chỗ, chắc chắn các em sẽ có hứng thú hơn đối với môn học của mình.

Thứ hai, đổi mới phương pháp giảng dạy của các thầy cô giáo bộ môn Lịch sử. Họ là người trực tiếp giảng dạy các em học sinh, vì vậy các thầy cô là mắt xích quan trọng để đặt môn Lịch sử về đúng chỗ của nó.

Tự nâng mình lên để nâng cao chất lượng giảng dạy là việc làm đầu tiên và cần thiết cho cả quá trình đó. Muốn truyền lửa và nhiệt huyết của môn Lịch sử vào tâm thức các em thì không chỉ với khối lượng kiến thức trong sách giáo khoa mà phải chủ động tìm tòi mở rộng vấn đề.

Mỗi tiết học Lịch sử khép lại là mở ra tầm nhìn mới và sự hào hứng, chờ đợi của các em trong những tiết học tiếp theo, vừa kích thích tạo ra khả năng khám phá cho học sinh.

Để tăng khả năng hiểu biết của học sinh trong từng tiết học, thầy giáo cần tạo thật nhiều cơ hội cho học sinh tiếp cận vấn đề theo tư tưởng của Khổng Tử “tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri dã”! (biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, thế mới gọi là biết).

Thứ ba, loại bỏ tư tưởng môn “chính” môn “phụ” đối với Lịch sử. Tình trạng nhiều học sinh xem Lịch sử chỉ là môn học thuộc lòng là hệ quả trực tiếp của tư tưởng xem Lịch sử là môn “phụ”. 

Trong nhà trường, các môn Văn, Toán, Vật lí, Hoá học… nghiễm nhiên trở thành môn “chính” và thường xem nhẹ các môn học còn lại. Chính các thầy cô giáo mới là người đầu tiên phải thay đổi quan niệm này để học sinh nhận thức lại về tầm quan trọng của môn Lịch sử.

Thứ tư, xã hội phải cho  người học Lịch sử một “lối ra”. Bởi nếu không có “đầu ra” thì ai dám tâm huyết với nó, mọi cố gắng của chúng ta sẽ lâm vào vòng luẩn quẩn.

Người yêu sử chưa bao giờ lớn tiếng coi Lịch sử là “phương tiện kiếm sống”, nhưng xã hội cũng cần tạo nền tảng vững chắc cho họ, nếu không muốn “phân biệt đối xử”; một lần nữa với người yêu Sử!

Nhưng có thể khẳng định một điều, cuộc Hội thảo “Thực trạng dạy và học Lịch sử trong trường phổ thông – Nguyên nhân và giải pháp” diễn ra ngày 28 tháng 3 vừa qua và diễn đàn “Trả lại vị thế cho môn Lịch sử” đang được cả nước quan tâm sâu sắc. Điều đó cho thấy dấu hiệu bừng sáng cho tương lai của môn Lịch sử.

Minh Phương
ĐHKH Huế

MỚI - NÓNG