Bốn điểm cần chú ý trong chuyến thăm Triều Tiên của ông Tập

Hình ảnh ông Kim và ông Tập gặp nhau trên màn hình tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: SCMP)
Hình ảnh ông Kim và ông Tập gặp nhau trên màn hình tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: SCMP)
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm nay bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước đến Triều Tiên, nhằm củng cố quan hệ với Bình Nhưỡng trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Đây là lần đầu tiên có một chuyến thăm như vậy đến Bình Nhưỡng trong 14 năm qua, diễn ra trong bối cảnh ông Tập chuẩn bị có cuộc gặp rất được chờ đợi với Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản vào tuần sau. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng chuyến thăm kéo dài 2 ngày của ông Tập sẽ tập trung vào vấn đề phát triển trong nước của Triều Tiên và hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, trong bối cảnh gần như không có tiến triển gì kể từ sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un tại Hà Nội vào cuối tháng 2. 

Đây cũng là lần đầu tiên lãnh đạo Trung Quốc có chuyến thăm cấp nhà nước đến Triều Tiên, cho thấy tầm quan trọng của chuyến thăm này. 

Giới quan sát cho rằng có một số vấn đề chủ chốt cần quan tâm trong chuyến thăm này. 
Hôm 19/6, báo Triều Tiên Rodong Sinmun đăng bài bình luận hiếm hoi của ông Tập trên trang nhất, trong đó thúc giục chính quyền Triều Tiên tiếp tục đi theo “đường lối đúng đắn” để giải quyết các vấn đề trên bán đảo Triều Tiên. 

Phát ngôn viên văn phòng tổng thống Hàn Quốc Ko Min-jung nói rằng Hàn Quốc hy vọng chuyến thăm của ông Tập sẽ giúp dọn đường cho “việc sớm khôi phục đối thoại” để tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình. 

Nhưng giới quan sát nói rằng chuyến thăm này khó có khả năng sẽ dẫn đến tiến triển đáng kể trong vấn đề hạt nhân. 

Ông Denny Roy, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Đông – Tây ở Hawaii, cho rằng cuộc gặp giữa ông Kim – ông Tập lần này có thể sẽ nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẵn sàng đàm phán phi hạt nhân hóa, nhưng những khác biệt với Mỹ vẫn là hòn đá tảng. 

“Tôi nghĩ trong quan điểm của Bắc Kinh là, người Mỹ cần chấp nhận một thỏa thuận có lợi hơn cho Bình Nhưỡng, một thỏa thuận mà Triều Tiên được nới lỏng cấm vận đáng kể nhưng không có bước đi phi hạt nhân hóa đáng kể. Nhưng đó chắc chắn không phải điều Washington chấp nhận”, ông Roy nói. 

Không chỉ là chuyến thăm hữu nghị

Đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Trung Quốc sang Triều Tiên với danh nghĩa “chuyến thăm cấp nhà nước”.

Những chuyến thăm của lãnh đạo Trung Quốc trước đây sang nước láng giềng phía bác thường mang danh nghĩa “chuyến thăm hữu nghị”, “chuyến thăm hữu nghị chính thức”, “chuyến thăm chính thức” và “chuyến thăm không chính thức”. 

Các chuyến thăm của lãnh đạo Triều Tiên sang Trung Quốc cũng tương tự, ngoại trừ chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành vào tháng 9/1982. 

Ông Roy cho rằng danh nghĩa cấp cao nhất lần này có thể là vì thể diện của ông Kim. “Điều này cho thấy ông Kim đã có vị thế đáng kể với Bắc Kinh sau khi có 2 cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ”, ông nói. 

“Điều đó khiến ông Tập phải chiều lòng ông Kim để bảo đảm quan hệ Mỹ - Triều Tiên sẽ không bỏ qua Trung Quốc”, ông Roy nói. 

Thể hiện tình bằng hữu 
Chuyến thăm của ông Tập cũng bao gồm các hoạt động kỷ niệm 70 hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Hai nước vẫn là đồng minh lịch sử, quan hệ mà Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông từng ví “như môi với răng”. 

Nhưng quan hệ đó bị thử thách trong giai đoạn ông Kim Jong Un nắm quyền và có những hành động khó đoán. 

Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, giúp Bình Nhưỡng duy trì nền kinh tế gặp muôn vàn khó khăn. Hai bên cũng ràng buộc với nhau bằng một hiệp ước tương trợ. 

“Có thể Triều Tiên muốn phối hợp với Trung Quốc trước khi có nỗ lực ngoại giao với Mỹ và các nước lớn khác, bao gồm Hàn Quốc”, ông Rorry Daniels, phó giám đốc dự án tại Diễn đàn an ninh châu Á – Thái Bình Dương”, nhận định. 

Tập trung vào kinh tế

Chuyến thăm lần này của ông Tập có thể tập trung vào vấn đề hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước. 

Kinh tế Triều Tiên chịu muôn vàn tổn thất vì các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp quốc, và ông Kim nay đang chuyển tập trung vào phát triển nền kinh tế trong nước.

Tờ Nhân dân Nhật báo thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc, nói trên tài khoản mạng xã hội của họ rằng chuyến thăm này nhấn mạnh “các vấn đề kinh tế và thương mại song phương”. 

Bài viết dẫn lời ông Zheng Jiyong, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên thuộc ĐH Phúc Đán, nói rằng chuyến thăm còn tập trung vào lĩnh vực du lịch văn hóa và giáo dục, hai lĩnh vực không thuộc phạm vi bị Liên Hợp quốc trừng phạt. 

Báo SCMP dẫn lời một nguồn tin ngoại giao nói rằng Trung Quốc có thể đề xuất hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên sau chuyến thăm này. 

Công cụ mặc cả với Mỹ

Chuyến thăm của ông Tập diễn ra gần thời điểm cuộc gặp trực tiếp của nhà lãnh đạo này với ông Trump tại thượng đỉnh G20 vào tuần tới, dẫn đến dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tận dụng quan hệ của họ với Triều Tiên làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ. 

Tranh chấp thương mại giữa Washington và Bắc Kinh vẫn tiếp tục leo thang và vẫn chưa có dấu hiệu hai bên sắp đi đến thỏa thuận. 

Ông Zhao Tong, nhà nghiên cứu tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie-Thanh Hoa, nói rằng Trung Quốc có thể sẽ thúc đẩy chuyện đàm phán hạt nhân để Mỹ bớt đối đầu trong cuộc chiến thương mại. 

“Bằng cách thể hiện quan hệ độc nhất của họ với Triều Tiên vào thời điểm cả Washington lẫn Seoul đều không thể khôi phục đối thoại cấp cao với Bình Nhưỡng, Bắc Kinh đang đánh tín hiệu đến Washington rằng họ vẫn là một đối tác có ích và không thể thay thế để giải quyết các vấn đề quan trọng của khu vực”, ông Tong nói. 

Nhưng ông Roy cảnh báo có những hạn chế mà ông Tập có thể mang lại. “Ông Tập không thể đề xuất đổi tiến bộ trong vấn đề Triều Tiên lấy việc Mỹ dỡ bỏ biện pháp tăng thuế vì ông Tập không thể ngăn ông Kim tiếp tục thử hạt nhân hay bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên”, ông Roy nhận định.

Theo theo SCMP
MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.