Tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12.
Về tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất (tuổi nghỉ hưu) với sĩ quan theo bậc quân hàm, luật quy định tăng 1 - 5 tuổi so với luật hiện hành. Cụ thể, tuổi nghỉ hưu của cấp úy là 50 tuổi; Thiếu tá 52; Trung tá 54; Thượng tá 56; Đại tá 58 và cấp tướng 60 tuổi.
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện, có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ không quá 5 năm. Trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Quốc phòng.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng quy định về cấp bậc quân hàm cao nhất với chức vụ, chức danh của sĩ quan. Theo đó, cấp quân hàm Đại tướng có số lượng không quá 3, gồm: Bộ trưởng Quốc phòng; Tổng Tham mưu trưởng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
Thượng tướng, Đô đốc Hải quân số lượng không quá 14, gồm: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Đô đốc Hải quân (không quá 6 người); Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (mỗi chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là Thượng tướng, không quá 3). Ngoài ra, còn có Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng.
Các chức vụ, chức danh mang cấp bậc quân hàm cao nhất là Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân; Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân, có số lượng không quá 398.
Như vậy, tổng số cấp bậc hàm cao nhất cấp tướng tối đa là 415 người.
Tài khoản mạng xã hội phải xác thực mới được đăng thông tin
Nghị định 147/2024 về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng được Chính phủ ban hành quy định mới về trách nhiệm cho những tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam, có sử dụng dịch vụ cho thuê lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam hoặc có tổng số lượt truy cập từ Việt Nam thường xuyên trong một tháng từ 100.000 lượt trở lên.
Theo đó, tại Điểm e khoản 3 Điều 23 Nghị định 147/2024 quy định thực hiện xác thực tài khoản của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội bằng số điện thoại di động tại Việt Nam.
Chỉ trong trường hợp người sử dụng xác nhận không có số điện thoại di động tại Việt Nam, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Trường hợp người sử dụng dịch vụ mạng xã hội sử dụng tính năng livestream với mục đích thương mại, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng xã hội thực hiện xác thực tài khoản bằng số định danh cá nhân theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Nghị định nêu rõ, chỉ những tài khoản đã xác thực bằng số điện thoại hoặc số định danh cá nhân mới được hoạt động, bao gồm đăng thông tin (viết bài, bình luận, livestream) và chia sẻ thông tin trên mạng xã hội.
Với các nội dung vi phạm pháp luật, các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải ngăn chặn, gỡ bỏ các nội dung vi phạm chậm nhất 24 giờ kể từ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền.
Với các tài khoản, trang, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên có nội dung vi phạm (trong 30 ngày có 5 lần hoặc 90 ngày có 10 lần bị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an yêu cầu gỡ bỏ), mạng xã hội sẽ phải khóa tạm thời các trang này từ 7 đến 30 ngày, không cho truy cập từ người dùng Việt Nam.
Trong trường hợp tài khoản, trang, nhóm, kênh bị tạm khóa ba lần hoặc đăng tải nội dung xâm phạm an ninh quốc gia, mạng xã hội sẽ phải khóa vĩnh viễn việc truy cập từ Việt Nam.
Nghị định 147/2024 có hiệu lực từ ngày 25/12 và trong vòng 90 ngày kể từ thời điểm nghị định có hiệu lực, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cung cấp thông tin xuyên biên giới vào Việt Nam và tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trong nước phải thực hiện xác thực những tài khoản đang hoạt động của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội.
Sĩ quan, quân nhân được thưởng 8 lần mức lương cơ sở
Cũng có hiệu lực từ ngày 25/12, Thông tư 95/2024 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện chế độ tiền thưởng các cá nhân, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.
Các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng và công chức làm việc trong quân đội; người làm công tác cơ yếu, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu tại Ban Cơ yếu Chính phủ được hưởng chế độ tiền thưởng khi được cấp có thẩm quyền đánh giá kết quả, xếp loại từ mức độ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
Mức tiền thưởng, các đối tượng được đánh giá, xếp loại cụ thể như sau:
Trong năm nếu sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng,... hưởng lương từ ngân sách nhà nước 7 tháng trở lên thì mức tiền thưởng bằng 1 lần các mức thưởng nêu trên; nếu hưởng lương từ ngân sách nhà nước dưới 7 tháng thì được hưởng 1/2 mức thưởng nêu trên.
Thông tư cũng nêu rõ, kinh phí bảo đảm, thực hiện chế độ tiền thưởng từ nguồn ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho quốc phòng; việc lập dự toán, chấp hành, kế toán và quyết toán ngân sách chi chế độ tiền thưởng được thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành của Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
Sắp xếp đơn vị hành chính tại 17 địa phương
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua các Nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 của 17 tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/12.
17 địa phương gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Hải Dương, Hưng Yên, Kiên Giang, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Long An, Quảng Bình, Nghệ An, Thái Nguyên, Yên Bái.