Bốn cấp độ 'thảm họa, sự cố' trong dự án Luật Phòng thủ dân sự

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thảm họa, sự cố được dự thảo Luật Phòng thủ dân sự phân loại gồm 4 cấp độ khác nhau.
Bốn cấp độ 'thảm họa, sự cố' trong dự án Luật Phòng thủ dân sự ảnh 1

Ảnh minh họa

Diễn tập phòng thủ dân sự 1 lần/5 năm

Dự thảo Luật Phòng thủ dân sự do Bộ Quốc phòng chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (5/2023). Điểm đáng chú ý được quy định tại dự thảo là hoạt động phòng thủ dân sự được quy định ở ba mức độ: Khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố; khi xảy ra thảm họa, sự cố; khi trong tình trạng khẩn cấp.

Tình trạng khẩn cấp về phòng thủ dân sự là trạng thái cấp bách về chiến tranh, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh đe dọa nghiêm trọng an toàn, sinh mạng của người dân mà chính quyền, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp trong khoảng thời gian nhất định và trong phạm vi một phần hay toàn bộ lãnh thổ quốc gia.

Điều 9, dự thảo Luật đưa ra 8 hành vi bị nghiêm cấm, như: Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; nghiêm cấm việc lợi dụng tình trạng khẩn cấp để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Khi “tình hình bình thường”, chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự được xây dựng theo chu kỳ 10 năm, tầm nhìn 20 năm và được cập nhật, điều chỉnh định kỳ 5 năm hoặc khi có thảm họa và chiến tranh. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, địa phương xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chiến lược quốc gia phòng thủ dân sự.

“Xây dựng hệ thống công trình phòng thủ dân sự ở từng cấp khi có chiến tranh phải gắn với thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ. Việc xây dựng công trình phòng ngừa thảm hoạ, sự cố phải tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt”, dự thảo quy định.

Về đào tạo, huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự, dự thảo quy định về nội dung chương trình đào tạo phòng thủ dân sự tại các nhà trường, học viện; các bộ, ngành trung ương, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự 1 lần/5 năm.

Khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố: Việc chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẽ bao gồm biện pháp tăng cường theo dõi, giám sát nguy cơ xảy ra thảm hoạ, sự cố; tổ chức lực lượng trực sẵn sàng ứng phó thảm hoạ, sự cố; rà soát, điều chỉnh các phương án huy động lực lượng, phương tiện để ứng phó thảm hoạ, sự cố; và đầu tư mua sắm các loại trang thiết bị, kết hợp trưng dụng trang thiết bị của cơ quan, tổ chức và của Nhân dân. Đồng thời có kế hoạch huy động bảo đảm hậu cần tại chỗ.

“Bộ Quốc phòng quyết định huy động lực lượng”

Về hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố, dự thảo phân loại cụ thể cấp độ thảm họa, sự cố. Trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác, thảm họa, sự cố được phân loại gồm 4 cấp độ, trong đó:

Thảm họa, sự cố cấp độ 1 là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố làm thiệt hại hoặc đe dọa làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường trên một khu vực nhất định, không có khả năng phát tán, lan rộng sang các khu vực khác.

Thảm họa, sự cố cấp độ 2 là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố làm thiệt hại hoặc đe dọa làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường trên một khu vực nhất định, có khả năng phát tán, lan rộng hoặc tác động, ảnh hưởng sang các khu vực khác.

Thảm họa, sự cố cấp độ 3 là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố làm thiệt hại hoặc đe dọa làm thiệt hại rất nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường xảy ra trên địa bàn một hoặc nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, có khả năng phát tán, lan rộng hoặc tác động, ảnh hưởng sang các địa bàn khác.

Thảm họa, sự cố cấp độ 4 (tình trạng khẩn cấp) là tình huống xảy ra thảm họa, sự cố trên địa bàn một hoặc nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc trên phạm vi toàn quốc, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến nền kinh tế quốc dân, tài sản, tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

“Bộ Quốc phòng quyết định huy động lực lượng Quân đội và Dân quân tự vệ, vật tư, trang bị, phương tiện thuộc quyền quản lý và quyết định nhân lực, vật tư, phương tiện theo quy định của Luật Quốc phòng và Luật Dân quân tự vệ để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh”, dự thảo quy định.

Điều 28 quy định, Thủ tướng Chính phủ tổ chức và chỉ đạo thi hành Nghị quyết của UBTVQH hoặc Lệnh của Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp, có quyền quyết định việc áp dụng các biện pháp đặc biệt trong tình trạng khẩn cấp, đồng thời quyết định các cơ quan, tổ chức hoặc người có trách nhiệm thi hành các biện pháp đó.

Cũng theo dự thảo luật, lực lượng nòng cốt bao gồm lực lượng chuyên trách hoặc kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Dân quân tự vệ, Công an nhân dân và các bộ, ngành Trung ương, địa phương; lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia và lực lượng xã hội hóa, gồm các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực xử lý sự cố, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng thủ dân sự do Thủ tướng Chính phủ thành lập, do Thủ tướng làm Trưởng ban. Phó Trưởng ban bao gồm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.