Bộ GD&ĐT đánh giá, năm học 2021-2022 được triển khai trong điều kiện hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi, khoảng 9 triệu học sinh phổ thông theo từng giai đoạn khác nhau phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến.
Đại diện các Sở GD&ĐT cho biết, học kỳ I diễn ra với rất nhiều khó khăn để hoàn thành tiến độ năm học và đảm bảo mục tiêu chất lượng giáo dục. Trong đó, khó khăn lớn nhất là làm sao bảo an toàn khi đón học sinh đi học trở lại. Hầu hết địa phương đề xuất Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ Y tế sớm có hướng dẫn về việc thống kê, cách li học sinh F0, F1 thống nhất để không ảnh hưởng trên diện rộng; hướng dẫn về tổ chức dạy học bán trú để các địa phương thực hiện đảm bảo an toàn, phù hợp…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đề nghị các địa phương trước hết phải đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Cho rằng, trường học chỉ là trường học khi có học sinh, giáo viên, Thứ trưởng yêu cầu đơn vị chuyên môn sớm hoàn thiện, bổ sung sổ tay an toàn phòng chống dịch với đầy đủ các hướng dẫn cụ thể, dễ thực hiện.
“Cố gắng vận động học sinh ra lớp. Cố gắng chỉ có lớp học trực tuyến chứ không có trường học trực tuyến. Không chủ quan với dịch bệnh nhưng cũng không hoang mang, lo sợ”, Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng lưu ý, các địa phương chú trọng tới chất lượng triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện để triển khai cho năm học 2022-2023 ngay từ bây giờ để không bất ngờ với việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3, lớp 7, lớp 10.
Cũng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT, trong những ngày tới, Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn cụ thể về các vấn đề hướng dẫn cách li học sinh, xét nghiệm COVID-19.