Hiện nay bệnh sởi đang diễn biến rất phức tạp và đã có hơn 100 trẻ em tử vong trong khi Bộ Y tế vẫn chần chừ không muốn công bố dịch, thậm chí chỉ công bố có 25 ca tử vong do sởi, là một bác sỹ nhi khoa ông nghĩ sao?
Tôi thấy Bộ Y tế đã phản ứng chậm. Chúng ta nói Bộ Y tế giấu dịch hay chạy theo thành tích thì vấn đề này là muôn thủa, không chỉ của Bộ Y tế mà ở nhiều ngành khác trong cơ chế quản lý hiện nay.
Ngay vụ dịch sởi này, từ đầu năm đến nay đã có tới 6.600 trường hợp sốt phát ban trong đó gần 2.500 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi. Đến nay đã có 59/63 địa phương ghi nhận có bệnh nhân sởi. Đặc biệt số tử vong do mắc sởi ngay tại Bệnh viên Nhi Trung ương là 25 ca.
Chiều qua khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới thăm thì con số bệnh nhân tử vong được báo cáo là trên 100 ca, chưa kể một số bệnh nhân bệnh nặng xin về và tử vong tại nhà. Các bệnh viện tại Nghệ An, Thanh Hóa, Yên Bái cũng có thông báo về việc có bệnh nhân tử vong do sởi. Rõ ràng lúc này phải công bố có dịch sởi. Công bố có dịch để làm gì? Không phải công bố có dịch là chúng ta xấu xa hay gì đâu. Mà công bố dịch để toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành, các cấp phải vào cuộc chung tay dập dịch. Từ UBND các cấp, ngành y tế, truyền thông phải vào cuộc. Trang bị thêm các trang thiết bị, máy thở xuông các bệnh viện tuyến tỉnh để mà dập dịch chứ không thì trẻ em chết nhiều quá, số ca mắc nhiều quá.
Vậy phải chăng Bộ Y tế chưa làm hết trách nhiệm trong phòng dịch hay ở đây có lý do khách quan nào, thưa ông?
Tôi là bác sỹ nhi khoa, cũng nhiều năm làm việc trong Bệnh viện Nhi Trung ương rồi qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em thì tôi thấy, xét về cả ba phương diện (Mức độ lan tỏa của bệnh sởi nhanh và rộng; Số người chết và mắc rất nhiều; Khả năng đáp ứng) thì có thể kết luận Bộ Y tế chậm trễ trong phòng chống dịch.
Tại sao đến giờ này chưa công bố dịch. Tôi cho rằng đến giờ này phải công bố dịch. Ngoài ra, Bộ Y tế còn có vẻ chần chừ, có thể do nắm thông tin không chắc, khả năng quyết đoán trong quản lý không cao. Nhưng theo tôi cái cốt lõi là trong nhiều năm qua, Bộ Y tế coi nhẹ công tác y tế dự phòng. Ở các nước phát triển, Y tế dự phòng là nhiệm vụ của Y tế công, còn điều trị là công- tư kết hợp. Chứ ở nước ta quá coi nhẹ dự phòng nên vấn đề phòng bệnh thế nào, chất lượng vắc xin ra sao, dập dịch thế nào khi dịch bùng nổ thì cả là vấn đề mà tôi cũng không đủ thông tin để phân tích sâu thêm.
“Theo tôi cái cốt lõi là trong nhiều năm qua, Bộ Y tế coi nhẹ công tác y tế dự phòng”, bác sỹ Nguyễn Trọng An.
Hôm qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói một điều mà chúng ta phải suy nghĩ là ông đi kiểm tra do thấy được thông tin cảnh báo trên mạng xã hội (facebook) của một bác sỹ nhi, như vậy để thấy ông đã không được báo cáo kịp thời về mức độ của bệnh sởi, ông nghĩ sao về thực tế này?
Như tôi đã nói ở trên, với cơ chế quản lý và chính sách như hiện nay thì rất quan liêu, cứ ngồi ở trong văn phòng máy lạnh để nghe báo cáo, nghe thông tin, rồi vấn đề bằng cấp, chất lượng vắc xin thì những thông tin chính xác, thông tin đúng rất khó. Việc nghi ngờ giấu thông tin thì có thể có những tôi không dám khẳng định.
Cảm ơn bác sỹ!