Bộ Y tế lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch: Phân biệt cúm A và COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bộ Y tế lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch khi hiện số ca mắc COVID-19 và cúm A đang có dấu hiệu tăng. TS Đỗ Thiện Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết cả COVID-19 và bệnh cúm mùa đều có thể biểu hiện các mức độ triệu chứng khác nhau, từ không triệu chứng đến các triệu chứng nghiêm trọng.

Các triệu chứng phổ biến mà COVID-19 và bệnh cúm đều có bao gồm: sốt hoặc cảm thấy nóng/ớn lạnh, ho, khó thở, mệt mỏi, viêm họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau cơ hoặc đau nhức cơ thể, đau đầu, nôn mửa và tiêu chảy, thay đổi hoặc mất vị giác/khứu giác (phổ biến hơn ở COVID-19).

Trước khi COVID-19 xuất hiện, các triệu chứng của cảm lạnh và cúm là khó phân biệt. Nhưng triệu chứng của bệnh cúm có thể gây bệnh từ nhẹ đến nặng và đôi khi có thể dẫn đến tử vong. Cảm cúm thường xuất hiện đột ngột. Những người bị cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau: sốt hoặc cảm thấy sốt, ớn lạnh; ho; đau họng; chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi; đau cơ toàn bộ cơ thể; đau đầu; mệt mỏi... Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy (phổ biến ở trẻ em hơn người lớn). Điều quan trọng cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.

Vì một số triệu chứng của bệnh cúm, COVID-19 và các bệnh đường hô hấp nói chung là tương tự nhau, nên không thể phân biệt cúm thường và COVID nếu chỉ dựa trên các triệu chứng. Chỉ có xét nghiệm sinh học mới có giá trị chẩn đoán chính xác tác nhân gây bệnh. Thậm chí một người có thể bị nhiễm cả bệnh cúm và COVID-19 cùng một lúc, do đó có các triệu chứng của cả hai.

Bộ Y tế lo ngại nguy cơ dịch chồng dịch: Phân biệt cúm A và COVID-19 ảnh 1

Điều trị bệnh nhân mắc cúm A tại Hà Nội. Ảnh: Hà Minh

Trong 3 triệu chứng phổ biến và rõ ràng nhất của COVID-19 là sốt, ho khan và khó thở, chỉ có khó thở là không liên quan đến cảm lạnh hay cúm. Nhưng theo nghiên cứu, những người tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều nếu nhiễm bệnh sẽ không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ và càng ngày càng giống như cảm cúm. Do đó, nếu muốn phân biệt cúm và COVID-19 cũng cần phải xem xét đến yếu tố dịch tễ.

Ngoài ra, mất khứu giác là dấu hiệu được báo cáo sớm nhất và phổ biến liên quan đến SARS-CoV-2, đồng thời là dấu hiệu để phát hiện người mắc COVID-19 hiệu quả hơn so với các triệu chứng như sốt và ho. Không giống như trong các trường hợp cảm lạnh và một số trường hợp cúm mà nguyên nhân mất khứu giác có xu hướng liên quan đến nghẹt mũi (nghẹt mũi do tích tụ chất nhầy), trong COVID-19 mất khứu giác đột ngột có thể liên quan trực tiếp đến nhiễm trùng SARS-CoV-2 trong biểu mô mũi và các tế bào thần kinh khứu giác mà không có bất kì tắc nghẽn nào. Do đó, những người bị mất khứu giác đột ngột nên được nghi ngờ là dương tính với COVID-19 và cần làm xét nghiệm để xác nhận ngay lập tức.

So với bệnh cúm, COVID-19 có thể gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng hơn ở một số người, thậm chí dẫn đến nhập viện và tử vong ngay cả ở những người khỏe mạnh. “Theo lí thuyết, một người có thể bị cúm, cũng như các bệnh đường hô hấp khác và COVID-19 cùng một lúc. Tuy nhiên, sự hiện diện của SARS-CoV-2 cũng có thể đóng một vai trò trong việc ngăn chặn các ca bệnh cúm, bởi vì thường chỉ có một loại virus đường hô hấp chiếm ưu thế trong một quần thể tại một thời điểm nhất định. Nghĩa là loại virus này có xu hướng ngăn cản loại virus kia. Các chuyên gia y tế vẫn đang nghiên cứu về vấn đề này”, TS Hải cho biết.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.