Bộ Y tế kiến nghị cho bác sĩ Hoàng Công Lương tại ngoại hầu tra

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu điều trị cho bệnh nhân trong sự cố y khoa trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Internet
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu điều trị cho bệnh nhân trong sự cố y khoa trong quá trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Internet
TPO - TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, bác sĩ Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO.

Chiều 28/6, liên quan đến việc cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam bác sĩ Hoàng Công Lương (bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình), TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết: Theo kết luận ban đầu của cơ quan điều tra, bác sĩ Lương là người trực tiếp ký đề xuất sửa chữa, biết việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO.

Tuy nhiên, khi còn chưa nhận được bàn giao việc sửa chữa bằng văn bản và chưa biết nguồn nước RO số 2 có đạt tiêu chuẩn hay không, bác sĩ này vẫn cho chạy thận cho các bệnh nhân. Bác sĩ Lương đã vi phạm điều 242 Luật Hình sự “vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế”. Ở đây bác sĩ Lương đã vi phạm quy định khám chữa bệnh.

TS Quang cho rằng, khi khởi tố bị can cơ quan điều tra phải có đủ căn cứ vì thế quyết định khởi tố, bắt giam các bị can là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, ông Quang cho rằng vụ việc có 4 yếu tố cấu thành tội phạm theo Luật Hình sự gồm chủ thể, khách thể, chủ quan và hành vi khách quan.

Về chủ thể, bác sĩ Lương là bác sĩ trực tiếp ra y lệnh để thực hiện chạy thận cho người bệnh thì chính là chủ thể của tội phạm này. Về khách thể của tội danh này nó liên quan đến xâm phạm trật tự quản lý nhà nước về khám chữa bệnh. Chủ quan: vô ý dẫn đến vi phạm quy định khám chữa bệnh. Hành vi khách quan: gây thiệt hại đến sức khỏe người bệnh.

Vì vậy Bộ Y tế khẳng định việc ra quyết định của cơ quan điều tra công an tỉnh Hòa Bình là đúng. Theo TS Quang, với trường hợp các tội đặc biệt nghiêm trọng và rất nghiêm trọng, theo Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc bắt tạm giam là không sai. Nhưng với bác sĩ Lương có vi phạm mang tính thủ tục hành chính nhưng lý lịch nhân thân tốt, không dấu hiệu chạy trốn, tẩu tán tài liệu... có thể cho tại ngoại để phục vụ công tác điều tra.

Lãnh đạo Vụ Pháp chế cho hay thẩm quyền về khởi tố và bắt tạm giam là đúng, Bộ Y tế chỉ đề nghị cơ quan chức năng xem xét yếu tố nhân thân của bác sĩ Hoàng Công Lượng, thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho bác sĩ này tại ngoại hầu tra.

MỚI - NÓNG