Bộ Xây dựng vừa có tờ trình Thủ tướng đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường bất động sản. Theo đánh giá của cơ quan này, sau giai đoạn phát triển nóng 2006-2010, địa ốc rơi vào tình trạng trầm lắng, doanh nghiệp gặp khó khăn, hàng tồn kho lớn. Tình trạng đầu cơ, mua bán bất động sản của các nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng cao đồng thời cơ chế xin - cho dự án còn phổ biến.
Giá nhà ở vẫn đứng ở mức cao, nhất là tại các đô thị lớn. Cơ cấu bất động sản mất cân đối, thiếu hàng hóa có quy mô vừa và nhỏ cũng như phù hợp với đa số nhu cầu của người dân. Thị trường đất đai sơ cấp hiện vẫn do các nhà đầu tư chi phối. Nguồn vốn đầu tư bất động sản chủ yếu từ ngân hàng và huy động của người dân. Thị trường thiếu các định chế phi ngân hàng hỗ trợ như quỹ tín thác, quỹ đầu tư bất động sản, vì vậy thiếu nguồn vốn trung và dài hạn.
Để thị trường phát triển vững chắc, Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt giải pháp nhằm tái cơ cấu bất động sản, khắc phục tình trạng lệch pha cung, cầu. Các dự án kinh doanh bất động sản đang triển khai, chậm triển khai cần được Chính phủ rà soát để phân loại đồng thời tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các doanh nghiệp.
Bộ cho rằng, Nhà nước cần điều tiết giá bất động sản cho phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, thông qua việc định giá đất, chính sách thuế, phí, lệ phí. Chính sách tín dụng nên được điều chỉnh linh hoạt để tạo điều kiện về vốn cho các chủ thể tham gia thị trường bất động sản.
Để tháo gỡ khó khăn cho địa ốc, ngành xây dựng đề xuất hình thành các định chế tài chính phi ngân hàng như: Quỹ Đầu tư, Tín thác bất động sản (REIT), Tiết kiệm và cơ quan tái cho vay thế chấp nhà ở. Nhà nước cần tạo hành lang pháp lý để các ngân hàng thương mại có thể huy động được các nguồn vốn trung và dài hạn với lãi suất ổn định.
Một trong những việc làm cần thiết là phải hoàn thiện quy trình về tín dụng bất động sản, có nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với đặc điểm từng loại hình bất động sản. Ngân hàng cần xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ, quy định tỷ lệ an toàn giữa dư nợ bất động sản với tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng... để đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng, tránh hiện tượng “bong bóng" thổi giá.
Tính đến 31/12/2013 đã có 407 dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được cấp phép với tổng vốn đầu tư 49,03 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Số thu ngân sách từ tiền thuê đất của khu vực đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2001-2011 ước đạt 4.700 tỷ đồng, trong đó năm 2011 đạt cao nhất với 1.047 tỷ đồng. Năm 2012-2013 ước trung bình mỗi năm thu khoảng 1.000 tỷ đồng từ tiền thuê đất của các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo Hoàng Lan