Dự kiến vào ngày 16/12/2020, Bộ Xây dựng sẽ đưa gần 139,4 triệu cổ phần Hancorp đang sở hữu ra bán đấu giá với giá khởi điểm 19.930 đồng/cổ phần. Đến nay, Bộ Xây dựng vẫn đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ 98,83% vốn điều lệ công ty, tương ứng toàn bộ số cổ phần dự kiến mang ra đấu giá.
Theo ghi nhận, Hancorp chỉ mới công bố Báo cáo tài chính quý II/2020, theo đó, doanh thu thuần 6 tháng của Công ty ghi nhận 831 tỷ đồng, giảm hơn 8% so cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ chỉ đạt 2 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng 11% so cùng kỳ.
Nợ phải trả của Hancorp tính tới 30/6/2020 là 4.436,7 tỷ đồng, tương ứng tỷ trọng 72,9% tính trên tổng nguồn vốn. Riêng giá trị vay nợ và thuê tài chính tăng gần 30% so với thời điểm đầu năm do doanh nghiệp tăng giá trị vay nợ dài hạn trong kỳ.
Ngày 25/12 tới, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng sẽ tổ chức bán đấu giá hơn 13 triệu cổ phần SHG của Tổng công ty Sông Hồng (tương đương 49% vốn điều lệ) do Bộ Xây dựng sở hữu.
Mức giá khởi điểm được đưa ra là 10.000 đồng một cổ phiếu, gấp 5 lần thị giá của SHG giao dịch trên sàn UPCoM. Với mức giá 2.000 đồng một cổ phiếu, SHG gần như không có thanh khoản trong suốt 3 tháng trở lại đây.
Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, hoạt động kinh doanh của SHG gặp nhiều khó khăn, ngập trong thua lỗ. Năm 2019, doanh nghiệp này lỗ gần 67 tỷ đồng, nâng tổng số lỗ lũy kế lên 958 tỷ đồng.
Sang đến năm 2020, tính chung 9 tháng lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp SHG âm 38,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đã vượt con số 1.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu âm hơn 700 tỷ đồng.
Kiểm toán cho biết, do nợ xấu tín dụng nên tổng công ty không đủ điều kiện năng lực để tham gia các gói thầu. Doanh thu và sản lượng chủ yếu của các công trình chuyển tiếp dở dang từ các năm trước chuyển sang có hiệu quả thấp, lãi vay lớn.
Công ty mẹ và tổ hợp các công ty thành viên mất khả năng thanh toán nghiêm trọng do nợ phải trả tiếp tục tăng từ phát sinh lãi vay phải trả cho công trình Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, nợ phải trả cho nghĩa vụ bảo lãnh các công ty con.