Bộ Xây dựng giải trình về mở rộng Hà Nội

Bộ Xây dựng giải trình về mở rộng Hà Nội
TPO - Trước nhiều luồng dư luận, ý kiến khác nhau xung quanh việc mở rộng Thủ đô Hà Nội, chiều 14/5, Bộ Xây dựng- cơ quan chủ trì soạn thảo đề án này, đã tổ chức buổi gặp gỡ đột xuất với báo chí nhằm lý giải, thông tin về vấn đề này.

Theo Thứ trưởng Trần Ngọc Chính, việc trình Quốc hội đề án mở rộng địa giới Hà Nội là không hề gấp gáp mà được nghiên cứu rất kỹ lưỡng.

Việc nghiên cứu này không chỉ căn cứ vào cơ sở khoa học mà còn dựa vào thực tế, vào nhu cầu phát triển, nguyện vọng của người dân, cũng như các yếu tố lịch sử, địa lý...

“Thực chất việc mở rộng Hà Nội đã có từ năm 2000, khi đó Bộ Chính trị đã chỉ đạo Chính phủ về việc cần phải nghiên cứu mở rộng Thủ đô mang tầm vóc quốc tế và khu vực, vì với diện tích như hiện nay thì không thế đáp ứng yêu cầu đô thị hoá. Gần 6 năm kể từ khi tiến hành nghiên cứu, trải qua rất nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đóng góp của nhiều chuyên gia để hoàn chỉnh đề án”- Ông Chính nhấn mạnh.

- Thưa ông, vì sao cần phải mở rộng thủ đô Hà Nội, bao gồm toàn bộ tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc?

Thủ đô Hà Nội vừa là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Với việc một Thủ đô lớn như vậy thì chúng ta cần phải có quy hoạch vùng Thủ đô riêng để xem xét sự bất cập và những mối quan hệ trong quy hoạch vùng Thủ đô, trong việc tổ chức các đô thị xung quanh Hà Nội như thế nào cho hợp lý và việc quy hoạch vùng là nhằm khai thác một cách tốt nhất, hợp lý nhất, để bảo vệ sự phát triển một cách bền vững.

Hiện nay thực tế phát triển của Hà Nội có nhiều bất cập. Hệ thống giao thông, dịch vụ, giáo dục vẫn chủ yếu ở nội đô. Mặt khác, quỹ đất của TP hiện không còn nhiều, nhiều dự án lớn của Chính phủ đã phải chạy ra các tỉnh lân cận. Nếu không đủ đất và cơ sở hạ tầng thì rõ ràng sẽ rất khó tạo ra được một Thủ đô khang trang.

Chính vì vậy phải sớm nghĩ đến việc xây dựng một thủ đô xứng tầm với một quốc gia có đến hơn 100 triệu dân trong tương lai. Việc mở rộng bao gồm tỉnh Hà Tây và một phần tỉnh Hoà Bình, Vĩnh Phúc là lựa chọn từ 5 phương án đưa ra, với các tiêu chí xem xét, đánh giá khoa học, cặn kẽ.

- Tuy nhiên nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, đến giờ vẫn không hề biết quy trình để làm đồ án này là như thế nào. Cách làm đó theo ông đã thực sự phù hợp chưa?

Đây là một quy trình chặt chẽ có sự chỉ đạo của Chính phủ. Trong quá trình đó chúng tôi đã lập ra một tổ công tác và đưa ra 5 phương án để lựa chọn 3 phương án trình bộ Chính trị, sau đó Chính phủ sẽ lựa chọn một phương án để trình Quốc hội.

- Chủ trương mở rộng Hà Nội được nhiều người đồng tình, tuy nhiên tại sao một vấn đề trọng đại như thế lại không được lấy ý kiến rộng rãi?

Việc này sẽ thực hiện theo quy định của Nhà nước. Việc mở rộng từ tỉnh này sang tỉnh khác sẽ do Quốc hội quyết. Còn quy hoạch nào thì cũng phải lấy ý kiến của nhân dân cả.

Có ý kiến cho rằng tại sao không đưa quy hoạch mở rộng Thủ đô ra để xin ý kiến nhân dân như quy hoạch 2 bờ sông Hồng, hay bảo tàng lịch sử Việt Nam?

Vì các dự án trên nằm trong Hà Nội nên lấy ý kiến là chuyện bình thường, hợp lệ. Còn quy hoạch mở rộng liên quan đến cả Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, mà quy hoạch này chưa được Quốc hội bấm nút thông qua thì có nghĩa là chúng ta chưa có pháp lý hành chính cụ thể, như vậy thì không thể vẽ quy hoạch đó cụ thể theo đúng quy hoạch để xin ý kiến.

Nếu như đề án này được Quốc hội thông qua thì chúng tôi sẽ mời các chuyên gia nước ngoài tiến hành hoàn thành quy hoạch. Trên cơ sở pháp lý đó chúng ta sẽ tổ chức lấy ý kiến nhân dân.

- Nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý một TP với quy mô như hiện nay dường như đã quá sức đối với chính quyền Hà Nội. Vậy Hà Nội sẽ “chống chọi” ra sao khi diện tích tăng gần gấp bốn lần với gần ba triệu dân tăng thêm, đặc biệt Hà Nội mở rộng kéo theo nhiều khu nông thôn thành đô thị. Đất nông nghiệp bị mất đi sẽ làm nhiều nông dân thất nghiệp, thưa ông?

Việc quản lý Thủ đô thì chính quyền sở tại phải là chủ đạo nhưng bên cạnh đó còn có các cơ quan khác của Chính phủ hỗ trợ. Tuy vậy, việc mở rộng Hà Nội sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với đội ngũ lãnh đạo TP và cần phải có đội ngũ giúp việc giỏi.

Phải thấy rằng việc mở rộng Thủ đô Hà Nội cũng sẽ tạo ra nhiều việc làm, tạo cơ hội để nông dân chuyển đổi nghề nghiệp. Khi sát nhập vào Hà Nội thì các dự án ở Hà Tây cũng sẽ phát triển, người dân ở đó cũng sẽ có cơ hội tham gia.

Đất nông nghiệp sẽ trở thành khu đô thị, khu công nghiệp, nhiều vùng trở thành khu du lịch sinh thái, thành nơi sản suất nông nghiệp có chất lượng cao như trồng rau sạch, trồng hoa...

- Thưa ông, nếu vào ngày 1/7 đề án mở rộng Hà Nội sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua sẽ là rất gấp gáp trong việc tổ chức lại cơ cấu tổ chức hành chính của các đơn vị vì quy hoạch cụ thể chưa rõ ràng?

Hiện Hà Nội đã có quy hoạch tổng thể và đang có quy hoạch chung của các quận và quy hoạch chi tiết của các khu vực. Những nội dung này Hà Nội đang làm để triển khai các dự án. Nên không có gì là gấp gáp.

- Còn trường hợp đồ án này sẽ không được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này sẽ dẫn đến việc quy hoạch sẽ bị “treo”, đồ án sẽ bị “treo”, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội phải có trách nhiệm của mình đối với việc ấn nút. Sau khi Chính phủ trình bày và Uỷ ban pháp luật thẩm tra rồi thảo luận ở tổ, thảo luận ở hội trường, theo tôi biết, trước khi bấm nút thông qua Chính phủ sẽ có một cái gọi là tiếp thu, giải trình ý kiến trong quá trình thảo luận và sau đó chỉ đạo sẽ chỉ đạo ấn nút.

Nếu được thông qua, Chính phủ sẽ yêu cầu các bộ ban ngành lập quy hoạch theo quy định, khi nào quy hoạch được thông qua thì mới là một quy hoạch hoàn chỉnh chứ nếu không thông qua thì không thể gọi là “treo” được.

- Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.