Bộ Xây dựng đứng cuối bảng về ứng dụng công nghệ thông tin

Bộ Xây dựng đứng cuối bảng về ứng dụng công nghệ thông tin.
Bộ Xây dựng đứng cuối bảng về ứng dụng công nghệ thông tin.
TPO - Bộ Xây dựng là cơ quan cấp bộ có mức độ ứng dụng công nghệ thông tin thấp nhất trong khi Bộ Tài chính tiếp tục giữ vị trí đầu bảng.

Theo kết quả đánh giá mức độ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) của các bộ, ngành, địa phương năm 2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố chiều nay (11/11), Bộ Xây dựng có chỉ số ứng dụng CNTT thấp nhất trong 17 bộ, cơ quan ngang bộ được xếp loại. Bảy bộ có mức độ ứng dụng CNTT thấp nhất lần lượt là các Bộ Xây dựng, Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa – Thế thao – Du lịch.

Trong khi đó, Bộ Tài chính xếp ở vị trí đứng đầu về ứng dụng công nghệ thông tin, tiếp theo lần lượt là các Bộ Công thương, Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội, Bộ Giao thông vận tải.

Riêng các Bộ Công an, Quốc phòng, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc do đặc thù cung cấp thông tin hoặc không cung cấp dịch vụ công trực tuyến nên không nằm trong bảng xếp hạng.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, kết quả đánh giá mức độ ứng dụng CNTT dưa trên 6 tiêu chí gồm hạ tầng kỹ thuật CNTT, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan, trang/cổng thông tin điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cơ chế - chính sách – quy định cho ứng dụng CNTT và nhân lực ứng dụng CNTT.

Theo đánh giá của Cục, tất cả tiêu chí CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, năm 2019 đều tăng, ở mức rất cao, trừ dịch vụ công trực tuyến. Một số bộ có thay đổi về vị trí xếp hạng năm nay chủ yếu do biến động về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Ở khối các tỉnh/thành phố, Top 3 tỉnh, thành phố đứng đầu về ứng dụng CNTT năm nay tiếp tục là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ninh. Một số tỉnh có thay đổi tích cực về vị trị xếp hạng như Lạng Sơn, An Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, nguyên nhân là do đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến mức 3, mức 4, đặc biệt là mức 4. Đứng cuối bảng lần lượt là các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum, Bạc Liêu, Nghệ An.

Cục Tin học hóa cho biết, cũng giống khối bộ/ngành, hầu hết các chỉ tiêu ứng dụng CNTT ở cấp tỉnh/thành phố năm nay cũng tăng lên, nhiều chỉ tiêu tiến tới mức bão hòa. Tuy nhiên, dịch vụ công trực tuyến còn ở mức thấp, đặc biệt với các dịch vụ công trực tuyến mức 4.

Cũng trong chiều nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Bộ chỉ số chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh. Bộ chỉ số này được cấu trúc theo 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Mỗi trụ cột gồm 7 chi tiêu chính là (1) chuyển đổi nhận thức, (2) kiến tạo thể chế, (3) phát triển hạ tầng và nền tảng số, (4) đánh giá về thông tin và dữ liệu số, (5) hoạt động chuyển đổi số, (6) an toàn, an ninh mạng, (7) đào tạo và phát triển nhân lực.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm cho biết, từ năm sau, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sử dụng bộ chỉ số chuyển đổi số để theo dõi, đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.