Bộ trưởng Xây dựng : Bán nhà công vụ đâu phải dễ!

Bộ trưởng Xây dựng : Bán nhà công vụ đâu phải dễ!
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân khẳng định như vậy khi đề cập tình trạng một số cán bộ “biến” nhà công thành nhà tư...
Bộ trưởng Xây dựng : Bán nhà công vụ đâu phải dễ! ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân

Trong khi đó, UBND thành phố Hà Nội chính thức yêu cầu Sở Tài nguyên - môi trường và nhà đất Hà Nội báo cáo toàn bộ qui trình tiếp nhận, bàn giao nhà và nguồn gốc căn nhà ông Lê Đức Thúy đang ở.

Ông Quân nói tiếp:

- Vài hôm nữa chúng tôi sẽ phát hành văn bản chấn chỉnh việc quản lý sử dụng nhà công vụ (NCV) nhằm hướng dẫn thêm cho các địa phương hiểu đúng việc bán nhà theo nghị định 61. Thật ra đối với NCV thì Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản rồi. NCV hiểu theo Luật nhà ở là quĩ nhà của nhà nước được dùng vào việc công, chứ không đặt vấn đề bán NCV bao giờ.

Trường hợp mấy đồng chí vừa rồi là NCV được “biến báo” bằng cách chuyển thành nhà ở rồi hóa giá bán theo nghị định 61, chứ có ai dám nói bán NCV đâu.

Sau khi nghị định 61 ra đời, đối với những nhà độc lập như nhà số 12 Nguyễn Chế Nghĩa hay các nhà độc lập khác ở Hà Nội và TP.HCM, nếu muốn bán phải có đề án, có chương trình chứ không phải cứ nhà của Nhà nước là đem bán theo nghị định 61. Theo Luật nhà ở, Nhà nước vẫn phải có quĩ nhà chứ làm sao bán hết tất cả được. Vì thế, phải xem lại nhà của anh Nghiên xin mua có nằm trong đề án đấy không.

* Theo đề án bán biệt thự của Hà Nội năm 1996 thì biệt thự ông Nghiên xin mua thuộc diện không bán?

- Không được bán mà bán là sai rồi. Tôi đang nói Cục Quản lý nhà đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường và nhà đất Hà Nội phải có báo cáo. Nếu việc bán nhà sai thì cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương phải chịu trách nhiệm.

* Theo thông tin ông nắm được, tình trạng biến NCV thành nhà sở hữu tư nhân tại các địa phương hiện nay như thế nào?

- Tình trạng đó không nhiều lắm. Vụ nhà mấy ông cán bộ này là do cách làm tùy tiện, trong đó có thể có lý do tế nhị nào đấy chứ bán NCV đâu phải dễ, phải có đề án được duyệt. Nếu không họ “xắn” hết biệt thự, nhà độc lập thì chết.

* Nhưng thực tế là vẫn xảy ra tình trạng NCV biến thành nhà sở hữu tư nhân?

- Khi có chuyện như vậy thì cũng phải nói rằng trong quản lý của chúng ta nhất định có một khâu sơ hở nào đấy. Ví dụ việc chuyển nhà công sản (nhà 6 Lý Thái Tổ của ông Lê Đức Thúy, thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN) là... hơi bị lẫn lộn. “Ông” chuyển thành nhà ở rất dễ dàng rồi đem bán đi rất dễ dàng thì rõ ràng việc quản lý là không chặt.

* Được biết Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng qui chế quản lý NCV?

- Tôi có nói với Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng rằng đang có chuyện lẫn lộn về quản lý NCV trong bộ máy quản lý nhà nước. Bộ Xây dựng có Cục Quản lý nhà, Bộ Tài chính có Cục Quản lý công sản. NCV cũng là công sản, công sở cũng là công sản. Vậy ai quản, ai giữ thì không rõ.

Hiện nay, Bộ Tài chính quản lý ở góc độ tài sản công thì có bất cập ở chỗ tài sản công dưới dạng nhà thì không chỉ quản lý trên sổ sách. Giá trị bất động sản khi lên, khi xuống. Giá trị trên giấy thì xuống nhưng giá trị thực tế có khi lại lên. Bây giờ quản thế nào cho hiệu quả thì sắp tới sẽ tổ chức bàn vấn đề này để hoàn thiện thêm chính sách, để xảy ra những chuyện vừa rồi thì rõ ràng mình có những sơ hở.

Ví dụ nhà anh Thúy mua rồi đăng ký sổ đỏ, nếu về mặt pháp lý là tài sản của anh Thúy. Nhưng ở đấy có sự biến từ tài sản công thành nhà ở, rồi bán hóa giá. Do đó, phó thủ tướng nói Bộ Xây dựng sẽ chủ trì một cuộc họp cùng với Bộ Tài chính để đưa ra những qui tắc về quản lý theo tinh thần sử dụng tài sản nhà nước một cách có hiệu quả.

Theo Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG