Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban có nên 'đổi vai'?

Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh Như Ý
Các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh Như Ý
TPO - Một Bộ trưởng đương nhiệm cho rằng, vào giữa nhiệm kỳ, Bộ trưởng bên Chính phủ có thể “đổi vai” cho Chủ nhiệm Uỷ ban bên Quốc hội. Mặc dù vậy, đề xuất mới mẻ này đã nhận được những ý kiến khác nhau.

Trong tuần làm việc tới, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.

Một vấn đề được Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nêu ra là Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh không nên làm đại biểu Quốc hội mà nên “nhường ghế” cho các đại biểu chuyên trách. Đề xuất ngày sau đó nhận được nhiều ý kiến khác nhau, trong đó đa số đại biểu Quốc hội ủng hộ quan điểm này.

Để nâng cao được số lượng đại biểu chuyên trách, nhiều ý kiến đều đồng tình với quan điểm nên tận dụng chất xám của các Bộ trưởng, Thứ trưởng đến tuổi nghỉ hưu sang làm đại biểu Quốc hội chuyên trách. Nhưng muốn vậy, đại biểu chuyên trách không nên bị gò ép bởi độ tuổi theo luật công chức viên chức. Ngoài 70 tuổi vẫn có thể làm được đại biểu chuyên trách nếu như còn đủ trí tuệ sức khỏe.

Đặc biệt, một đại biểu hiện đang là Bộ trưởng đương nhiệm còn đưa ra phương án, trong nửa nhiệm kỳ, bên Chính phủ và Quốc hội có thể “đổi vai” cho nhau. Có nghĩa là ông Bộ trưởng có thể sang làm Chủ nhiệm Uỷ ban có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, và ngược lại.

Chẳng hạn, Bộ trưởng Bộ TN&MT có thể sang làm Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội ngược lại ông Chủ nhiệm Uỷ ban này có thể sang làm Bộ trưởng NT&MT. Hay như ngành tư pháp, Bộ trưởng Tư pháp có thể sang làm Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp và ngược lại...

Tuy nhiên, theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội không đồng tình với đề xuất này, vì như vậy thời gian quá ít, không đủ thời gian quen người quen việc. Mặc dù vậy, ông cũng ủng hộ với phương án sử dụng các chính khách về hưu làm đại biểu chuyên trách, và người từng làm ở bên Chính phủ, sang Quốc hội làm, vì như vậy họ đã có kinh nghiệm từ thực tiễn, nên phục vụ rất tốt cho công tác xây dựng pháp luật.

Sau các phiên thảo luận tại hội trường về dự án luật này, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Cũng trong tuần làm việc này, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Đồng thời cho ý kiến về một số nội dung của dự án Luật Lực lượng dự bị động viên. Cùng với đó, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận ở hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Trong nội dung làm việc này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể sẽ giải trình những ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Sang ngày làm việc 13/11, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018. Sau đó Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, cháy chữa cháy giai đoạn 2014-2018.

Điểm đáng chú ý khác trong tuần, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Sau đó đại diện Chính phủ trình bày Báo cáo thuyết minh Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia.

Cùng với đó, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội; thảo luận ở tổ về các dự án Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi)…

Bộ trưởng và Chủ nhiệm Uỷ ban có nên 'đổi vai'? ảnh 2  
MỚI - NÓNG
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Còn quan điểm trái chiều về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Còn quan điểm trái chiều về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
TPO - Về vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, theo Phó Thủ tướng Lê Thành Long, đồng bào, cử tri cả nước và dư luận xã hội hết sức quan tâm. "Tuy nhiên, còn nhiều quan điểm trái chiều, trong đó có ý kiến của các nhà quản lý, các nhà khoa học và cộng đồng doanh nghiệp", ông Long nói.