Bộ trưởng Tài chính: Phát hiện lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Thông qua kiểm tra, chúng tôi cũng phát hiện ra nhiều vi phạm, kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi cũng đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.

Ngày 8/6, đại biểu Trần Văn Lâm, đoàn Bắc Giang chất vấn Bộ trưởng Tài chính về thị trường chứng khoán, khi giá trị vốn hóa hay giá trị thị trường gấp nhiều lần giá trị tài sản lúc phát hành lần đầu. Theo ông, sự gia tăng này phản ánh tính hấp dẫn của kênh đầu tư nhưng cũng có tác động lớn của các chiêu trò đầu cơ, thổi giá, lũng đoạn thị trường, tạo chênh lệch giữa giá cả và giá trị thực, vẫn gọi là “bong bóng chứng khoán”.

Bộ trưởng Tài chính: Phát hiện lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Như Ý

“Đề nghị Bộ trưởng đánh giá về mức độ bong bóng của thị trường chứng khoán nước ta hiện nay. Bộ Tài chính có những công cụ, bộ chỉ báo nào để nhận diện, đánh giá tính chất, mức độ bong bóng chứng khoán, giải pháp gì để thị trường chứng khoán nước ta phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới?”, ông Lâm nêu chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nói, thị trường chứng khoán của chúng ta trong thời gian qua đã có bước phát triển rất tốt, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016- 2021 khoảng 26%. Đến cuối năm 2021, thị trường cổ phiếu đã đạt 7.774 tỷ, trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 1.374.000 tỷ.

Tuy nhiên, thời gian qua xảy ra một số hiện tượng thao túng cổ phiếu, đưa thông tin sai lệch, lừa dối khách hàng, đầu cơ trái phiếu… “Chúng tôi đã cảnh báo cho người dân, doanh nghiệp, cho các nhà đầu tư, đồng thời chúng tôi đã trình Chính phủ sửa lại Nghị định 153 và tăng cường các giải pháp, biện pháp để minh bạch thị trường chứng khoán, đặc biệt là đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, ông Phớc cho hay.

Theo Bộ trưởng, các quốc gia tiên tiến đã có trên 500 năm về thị trường chứng khoán, còn chúng ta bắt đầu từ năm 2000, đến giờ khoảng 22 năm, rất non trẻ, nhưng cũng đã thể hiện sức mạnh của thị trường chứng khoán và sức mạnh của doanh nghiệp. Về hiện tượng thao túng chứng khoán, Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là hành vi của cá nhân đưa thông tin sai sự thật, sinh ra nhiều tài khoản để lôi kéo khách hàng rồi đột ngột bán mà không báo với cơ quan quản lý nhà nước...

Về giải pháp, tư lệnh ngành Tài chính cho biết, đã có những giải pháp tăng cường công tác kiểm tra và đưa trí tuệ nhân tạo vào theo dõi các nghiệp vụ về phát sinh, đồng thời bắt công khai và theo dõi quá trình lên xuống đột ngột đối với các cổ phiếu, trái phiếu riêng lẻ. Bộ thiết lập hẳn một kênh, tức một sàn riêng để theo dõi. Cùng với giải pháp về hoàn thiện Nghị định 153 và tiếp tới sẽ đề nghị với Quốc hội hoàn thiện Luật Chứng khoán.

Qua đó quy định rõ điều kiện phát hành, ví dụ như doanh nghiệp phát hành phải có vốn chủ sở hữu, nợ trên vốn chủ sở hữu bao nhiêu, mục đích phát hành và phải tuân thủ mục đích phát hành với cơ quan quản lý nhà nước như thế nào…

“Chúng tôi sẽ có những giải pháp để hoàn thiện pháp luật, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm, bắt đầu từ những dòng tiền bất thường, những giao dịch bất thường sẽ được kiểm tra, xử lý. Thông qua kiểm tra, chúng tôi cũng phát hiện ra nhiều vi phạm, kể cả lợi dụng thị trường chứng khoán để rửa tiền. Chúng tôi cũng đã chuyển cho cơ quan điều tra một số vụ để xử lý nghiêm”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu.

MỚI - NÓNG